Nghiên cứu 'hy hữu biến tấu' của PGĐ Bệnh viện Đà Nẵng đạt giải Nhì VIFOTEC quốc gia
Về công trình của mình đạt giải Nhì VIFOTEC toàn quốc, ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh, PGĐ Bệnh viện Đà Nẵng nói: “Đây là trường hợp hy hữu biến tấu và chưa được ghi nhận trong các báo cáo khoa học hay y văn trong và ngoài nước”
Ngày 25/6, Bệnh viện Đà Nẵng (BVĐN) báo tin vui, công trình “Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng da vùng bụng dưới và xương chậu” do ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc BVĐN làm Chủ nhiệm, cùng cộng sự là Ths.BS Nguyễn Duy Khánh (cùng BVĐN) vừa được công bố đạt giải Nhì (lĩnh vực Y dược) Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 15 (2018 – 2019).
ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh, Phó Giám đốc BV Đà Nẵng (ngoài cùng, bên trái) cùng các cộng sự thực hiện giải pháp "tạo hình cẳng, bàn tay bằng da vùng bụng dưới và xương chậu” cho bệnh nhân (Ảnh do BV Đà Nẵng cung cấp) |
Theo kế hoạch, lễ trao giải sẽ được Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức ngày 2/7 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Trước đó, công trình “Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng da vùng bụng dưới và xương chậu” của ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh cùng cộng sự Ths.BS Nguyễn Duy Khánh cũng đã đạt giải Nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật TP Đà Nẵng lần thứ 15 (2018 – 2019).
Trao đổi với Infonet ngày 25/6, ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh cho hay, công trình “Nghiên cứu tạo hình cẳng, bàn tay bằng da vùng bụng dưới và xương chậu” chủ yếu áp dụng cho các trường hợp tổn thương dập nát, mất da và mạch máu mà kỹ thuật vi phẫu không thể thực hiện được. Khi đó ứng dụng kỹ thuật này có thể ghép và phục hồi lại chi bị đứt lìa, dập nát.
Cụ thể, từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2018, với sự chủ trì của BVĐN, ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh cùng các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật 72 bệnh nhân tổn thương phần mềm chi trên. Các bệnh nhân chủ yếu là nam giới (62,5%) nằm trong lứa tuổi lao động, tuổi trung bình là 34,32, nhỏ nhất là 15 và lớn nhất là 71.
Bệnh nhân được đều trị trung bình 28,83 ngày, ngắn nhất là 9 ngày và dài nhất 86 ngày. Vạt da có kích thước trung bình 20 x 12 cm, nhỏ nhất là 15 x 4 cm và lớn nhất 30 x 15 cm. Trong đó có 1 trường hợp khuyết mô mềm kèm mất xương bàn 1 đã được dùng vạt bẹn kèm xương mào chậu để tái tạo mô mềm và xương bàn 1 cho bệnh nhân và đem lại kết quả tốt.
“Tính mới của công trình này là gì, thưa ông?” – Infonet đặt câu hỏi với ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh. Ông cho biết xương, gân của phần chi đứt lìa, cụ thể là các tổn thương ngón tay, không còn mạch máu nên việc áp dụng nối vi phẫu là không thể.
Giải pháp ghép ngón tay không vi phẫu do ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh cùng các cộng sự thực hiện (Ảnh do BV Đà Nẵng cung cấp) |
Tuy nhiên các trường hợp này đã được nhóm nghiên cứu phẫu thuật cố định và bọc lại bằng vạt da vùng bụng dưới và đã giữ lại được hình thái ngón tay cho bệnh nhân, nhất là các ngón chức năng như ngón 1 và ngón 2 của bàn tay thuận. Từ đó hỗ trợ bệnh nhân trong công việc và sinh hoạt hàng ngày như lái xe máy, cầm bút, cầm công cụ lao động…
“Với trường hợp mất da, mô và xương bàn 1 bàn tay, chúng tôi đã sử dụng vạt da vùng bụng dưới kèm xương mào chậu để phục hồi lại giải phẫu cho bàn tay bệnh nhân. Kỹ thuật này là do chúng tôi nghĩ ra, mà nếu không thực hiện kỹ thuật này thì bệnh nhân sẽ bị cụt ngón tay vĩnh viễn chứ không thể nối vi phẫu gì được hết. Đây là trường hợp hy hữu biến tấu và chưa được ghi nhận trong các báo cáo khoa học hay y văn trong và ngoài nước” - ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh nói.
Ông cũng cho biết, giải pháp nêu trên đã được thực hiện thành công và đang được áp dụng tại BV Đà Nẵng và các bệnh viện trong khu vực đạt hiệu quả cao. Đồng thời qua thực tế áp dụng nhiều năm qua cho thấy giải pháp này có hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt.
Để áp dụng kỹ thuật vạt da vùng bụng dưới điều trị cho các chấn thương vùng bàn tay, chi phí rơi vào khoảng 5 - 8 triệu đồng. Trong khi đó, nếu chuyển lên tuyến trên, chi phí cho ca phẫu thuật và thời gian điều trị sẽ lên rất cao, có những trường hợp bệnh nhân phải thanh toán từ 30 – 50 triệu đồng.
Chính vì vậy, với kỹ thuật đơn giản, kết quả tốt, các bác sĩ dễ dàng tiếp cận và hoàn thiện kỹ năng, bệnh nhân được điều trị sớm, nhanh phục hồi, giảm được đi lại, tiết kiệm được chi phí điều trị. Ngành y tế cũng giảm được gánh nặng về chi phí đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng cũng như chi phí điều trị trên mỗi bệnh nhân.
“Và điều quan trọng hơn nữa là giải pháp này đã giúp giữ lại những phần cơ thể (bàn, ngón tay) tưởng như không còn, giúp phục hồi khả năng lao động và sinh hoạt của bệnh nhân, giảm gánh nặng cho xã hội và gia đình!” - ThS.Bs CKII Phạm Trần Xuân Anh nhấn mạnh.
Hải Châu
Bệnh viện Đà Nẵng: Ghép thận thành công 2 ca giai đoạn cuối nhập viện cùng ngày
Trưa 24/6, Bệnh viện Đà Nẵng chính thức báo tin vui, vừa tiến hành thành công 02 ca ghép thận cho 02 bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối, nhập viện cùng ngày.