Nghệ sĩ Hoàng Lan: xót xa cho một diễn viên hồng nhan bạc phận
"Tới đây ăn, thấy ngon thì lần sau lại ủng hộ rồi ngồi chơi với cô cho vui nghen".
Mỗi một vị khách tới ủng hộ quán cơm của nghệ sĩ Hoàng Lan đều được cô tiếp đón bằng những lời hỏi han ân cần và nụ cười tươi rói. Người ta vẫn luôn nói về cô như một người đàn bà khắc khổ, ngày ngày u uất bên căn bệnh không thể chữa nhưng lại quên nói về nụ cười của người phụ nữ quật cường này.
Quán cơm nhỏ nơi nghệ sĩ Hoàng Lan mở ra cùng những người chị em, người bạn bên cô suốt những năm tháng bệnh tật nằm khuất sâu trong khu chung cư Ngô Gia Tự, quận 10. Trước đây, nó là một tiệm cà phê nhỏ, chủ yếu phục vụ cho người dân khu chung cư.
Căn nhà nhỏ chỉ có 3 gian, 1 phòng ngủ, một phòng ngoài và một căn bếp chật hẹp. Phòng khách đặt vỏn vẹn 4 cái bàn, trên tường còn treo bức ảnh của nữ nghệ sĩ Hoàng Lan thời còn son sắt.
Hỏi về "lai lịch" tấm ảnh, nữ nghệ sĩ bật cười ngạo nghễ rồi cho hay cô cũng chẳng nhớ ảnh này chụp vào dịp nào, chỉ nhớ là chụp năm 2003. Cô lém lỉnh hỏi tôi: "Hồi đó thấy cô đẹp không?" Rồi tự trả lời:"Hồi đó đẹp lắm, bây giờ thấy ghê rồi!"
Nhớ nghề, nhớ những khoảnh khắc được cháy hết mình với vai diễn, thế nhưng rời xa nghệ thuật 10 năm, có những chuyện xưa cũ mà người nghệ sĩ này đã chẳng còn nhớ được nữa. Cô đùa:" Tôi làm hài, mua vui cho thiên hạ mà cuộc đời vắt ra toàn là nước mắt. Những chuyện ngày xưa, ai gặp cũng hỏi, kể riết chán, chán rồi quên luôn, chẳng nhớ được nữa."
Gương mặt nghệ sĩ Hoàng Lan thoáng những nét buồn dù mới đây vừa bật cười giòn giã. Quả nhiên con người dù mạnh mẽ tới đâu, cố gồng gánh tới đâu cũng không tránh khỏi sự tủi thân khi nghĩ đến những đau thương của đời mình.
Một phòng ngủ với 4 bức tường hẹp, rộng vỏn vẹn vài mét vuông. Cô ngồi đó, trên chiếc giường cũ kỹ, bụng nịt một dây đai cố định. Người chị em chăm sóc cho nữ nghệ sĩ Hoàng Lan chia sẻ nếu không có dây đai đó, cô gần như không ngồi được.
Ấy vậy mà trong khoảnh khắc lắng đọng khi nghĩ về căn bệnh, cả hai lại nhìn nhau rồi buông một câu nói đùa :"Nẹp lại ngồi cho dễ, không nẹp bả cứ đổ người ra sau như mới uống rượu xỉn vậy đó!" rồi cả hai cười hề hề. Cười cho cái sự chua chát của cuộc đời, cười cho những giọt nước mắt từ lâu đã chai sạn không thể rơi.
Tôi có thể nhìn thấy rõ đôi mắt đục ngầu của cô nhìn chằm chằm vào tôi khi cả hai trò truyện. Một bên mắt dại đi, đục hẳn. Cô chỉ vào nói :"Hắn không có thủy tinh thể, không thấy gì. Mắt phải thì thấy mà thấy mờ mờ, không nhìn rõ mặt. Lần sau tới, chưa chắc cô nhận ra mày vì cô có nhìn rõ được mặt mày đâu."
Tôi tự hỏi, có phải những người nghệ sĩ vẫn thường thêm những câu bông đùa vào trong sự đau đớn của mình. Họ gồng mình chống lại sự đời nghiệt ngã bằng cách lạc quan, bằng những câu nói yêu đời, những nụ cười xoa dịu đi cái xót xa trong lòng người đối diện. Nhìn cô ngồi đó, miệng cười mà tay run run cố bám vào chiếc khung tập đi bên cạnh, càng cười càng thêm phần cay đắng.
Thời điểm bệnh tật hành hạ đến kiệt quệ, cô bảo cô từng nghĩ đến cái chết, chết là hết, chẳng còn đau đớn gì. Nhưng rồi cô lại sợ, sợ có gì đó mình muốn làm mà chưa làm được, sợ chết rồi sẽ hối hận, sợ những người muốn mình sống sẽ đau lòng.
Cô sợ nhiều điều, nhưng sợ nhất là không biết bao giờ mình chết. Bầu bạn với thuốc qua ngày, cũng là bầu bạn với bệnh tật. Nữ nghệ sĩ Hoàng Lan giờ đây gần như không thể đi lại, một bên mắt hoàn toàn không nhìn thấy, một bên đang đục dần, nặng nhất là parkinson khiến chân tay run bần bật, nhức mỏi cả ngày.
Bản thân bệnh tật, ấy vậy mà cô vẫn hỏi tôi "Mai Phương dạo này thế nào? Nghe nói nó mới nhập viện lại, tình hình sao rồi con, ổn không?". Cô theo dõi nhiều những tin tức về các nghệ sĩ khác, nhất là những nghệ sĩ cũng đang chống chọi với bệnh tật. Cô bảo hay là tôi đi thăm Mai Phương đặng cho người ta giúp đỡ. "Nó còn trẻ, phải sống lâu. Chứ cô già rồi, mày giúp cô cũng chẳng giúp được bao lâu."
Thật thương thay cho một kiếp người, đến lúc gần đất xa trời, điều người phụ nữ này nghĩ đến vẫn là nghĩ cho người khác. Hóa ra đó là lí do nghệ sĩ Hoàng Lan mở một quán ăn, muốn chứng minh mình "tàn nhưng không phế".
Cô khuyên mọi người để tiền mà giúp đỡ những người khác, còn đến với Hoàng Lan, chỉ cần ủng hộ bữa cơm, gọi vài món ăn là đã đủ cho cô cơm cháo qua ngày.
Nhiều người tưởng nhầm với gương mặt tiều tụy theo năm tháng, giọng của nghệ sĩ Hoàng Lan cũng sẽ mệt mỏi và thều thào. Không, giọng nói của cô rõ ràng, định đạc, nụ cười hào sảng vang vọng 4 bức tường kín.
Giọng nói sang sảng làm người ta nhớ đến Hai Mưa Nắng, Lan xì-po của "Trong nhà ngoài phố". Cái số cho gương mặt sắc sảo khiến cả đời nghệ sĩ Hoàng Lan gắn liền những vai diễn hầm mố, cách nói chuyện thẳng thắn, nhanh và rõ ràng cũng ảnh hưởng từ đây.
Ai nghe giọng tưởng nghệ sĩ Hoàng Lan dữ lắm, thế nhưng tính tình lại rất hiền, dễ chịu, ngại làm phiền người khác.
Ấy vậy mà ông trời trớ trêu, quán ăn để mưu sinh nằm khuất trong ngõ nhỏ chẳng ai lui tới. Quán ăn ngày thứ 7 vắng hoe không một bóng người, chỉ lác đác 1,2 cuộc điện thoại đặt hàng ship giao đồ ăn.
Đơn thì ship được, đơn xa quá không ai chịu giao, đành phải cáo lỗi với khách hàng, dặn lần sau nhớ tiếp tục ủng hộ. Bốn chiếc bàn trơ trọi không khách khứa, cô nói đấy là chuyện...thường ngày.
"Lúc mới mở cửa, đồng nghiệp, khán giả, học trò thỉnh thoảng ghé thăm ủng hộ. Chú từ lúc dịch bệnh tới giờ, mấy ngày chẳng có một mống khách. Kệ, cứ làm thôi, bán không được cùng lắm thì đóng cửa." Nghệ sĩ Hoàng Lan.
Thực ra nghệ sĩ Hoàng Lan không đơn độc, cô có những người bạn thỉnh thoảng lại tới thăm hỏi như Phi Phụng, Phương Dung. Đợt rồi, nhóm học trò của nghệ sĩ Hồng Vân tới ủng hộ, náo nhiệt một bữa, cô bảo hôm ấy vui hẳn lên, như trút được đi nhiều nỗi buồn.
Từ lâu, nghệ sĩ Hoàng Lan không còn nhận quà của khán giả đến ủng hộ. Cô sợ người ta nghĩ mình thế này thế kia. Đưa quà ra là lắc đầu nguầy nguậy. Tôi phải lấy cớ quà mừng Tết, chúc quán ăn năm mới ăn nên làm ra nên tặng chút quà may mắn cô mới đành nhận. Cô bảo chẳng muốn mang hơn huệ của ai, ấy vậy mà quay qua quay lại đã mang ơn quá nhiều người.
Những người làm việc, bưng bê ở quán ăn nghệ sĩ Hoàng Lan cũng là những người cô mang ơn rất nhiều. Tất cả đều là những chị em chơi chung từ lâu, thương tình nên họ đến giúp đỡ với giá rẻ, tiện thể chăm sóc cho bệnh tật của cô.
Không muốn mang ơn ai, thế nhưng tấm thịnh tình cô nhận được của mọi người rất lớn. Có lẽ đời không cho cô được một tuổi già an nhàn, thế nhưng những người bạn, những tình cảm nồng hậu thì Hoàng Lan không thiếu.
Chỉ mong những đau thương, những vồn vã của cuộc sống sẽ thôi đặt gánh nặng lên đôi vai đang oằn mình với bệnh tật. Chỉ mong những ngày tháng sau này sẽ là ngày tháng tươi đẹp hơn, những bình yên sẽ đến với người nghệ sĩ ấy.
Chào tạm biệt tôi, cô bảo :"Mắc gì mày phải buồn, đến cô còn cười thì mày cũng phải vui lên." Vẫn là nghệ sĩ Hoàng Lan, vẫn là sự lạc quan khiến người ta lại càng chua xót.
Nghệ sĩ Hoàng Lan sinh năm 1959 tại một tỉnh miền Tây Nam bộ. Bà trở thành diễn viên đoàn kịch nói Cửu Long Giang khi mới 17 tuổi. Sau nhiều năm lăn lộn trên các sân khấu, Hoàng Lan ghi dấu trong lòng khán giả phía Nam với các vai diễn như Hai Mưa Nắng, Lan Xì -po, má mì, chủ quán cơm tù... trong chương trình Trong nhà ngoài phố những năm 2000. Một thời, hình ảnh Hoàng Lan gắn liền với mái tóc bờm sư tử cá tính. Nhiều năm trước, Hoàng Lan trầm cảm vì hôn nhân tan vỡ, tài sản thất thoát do làm ăn thua lỗ. Năm 2011, sau khi đóng phim Cổng mặt trời, nghệ sĩ suy sụp khi biết mình mang trong mình nhiều bệnh tật. Năm 2016, bà mắc thêm chứng bệnh Parkinson, phải buộc dây vào bụng mới lấy thế ngồi dậy được trên giường. Mắt phải bà bị hỏng, mắt trái mờ (di chứng của việc tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào từ nhiều năm trước). Nghệ sĩ và những người em bà con của bà hiện ở trọ trong căn hộ nằm ở tầng trệt một khu chung cư ở quận 10, TP HCM. - Tam Kỳ/VNE. |