Ngày Tết quên một viên thuốc có thể tử vong
Theo các bác sĩ, ngày Tết số bệnh nhân đột quỵ, nhồi máu cơ tim tăng cao. Ngày Tết là thử thách với bệnh nhân tim mạch nếu không có các biện pháp dự phòng thì có thể xảy ra các biến cố tim mạch.
Trường hợp của chị N.T.N, 36 tuổi, Sóc Sơn, Hà Nội phải nhập viện cấp cứu vì đột quỵ. Chị N. có tiền sử bệnh tim mạch. Chị N. chỉ quên uống thuốc chống đông 1 ngày. Khi ngủ dậy chồng chị H phát hiện vợ bị méo miệng, nói khó và yếu liệt nửa người hoàn toàn bên phải; ngay lập tức anh đã đưa chị đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Khi vào viện các bác sĩ nhận thấy đây là 1 ca đột quỵ lúc ngủ nên nhanh chóng bật báo động đỏ cấp cứu đột quỵ.
Hay như trường hợp của ông N.V.Đ – 65 tuổi, trú tại Hà Nội. Trong những ngày Tết ông Đ. lu bù với nhiều việc dẫn tới quên uống thuốc huyết áp. Ông Đ. có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm nhưng chỉ vài ngày quên không uống thuốc trong đó có thuốc chống đông dẫn tới bệnh nhân bị đột quỵ.
Khi vào viện bác sĩ cho biết bệnh nhân bị nhồi máu não. Theo người nhà, trong mấy ngày vừa qua bệnh nhân thấy người khoẻ mạnh nên không uống thuốc và không ngờ trong đó có thuốc chống đông để phòng tạo cục máu đông gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim thì bệnh nhân lại bỏ.
ThS. BS. Ngô Bảo Khoa - Trung tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch tuyệt đối không được quên uống thuốc chống đông nếu không sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng đột quỵ cần ngay lập tức đưa đến các cơ sở y tế uy tín.
Ảnh minh hoạ. |
Theo thạc sĩ Khoa, ngày Tết có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch, trong đó nổi cộm là việc uống rượu bia thả ga. Uống nhiều rượu bia có thể khởi phát các tình trạng rối loạn nhịp tim, trong đó, thường gặp nhất là rung nhĩ, một tình trạng làm tăng nguy cơ của đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy tim. Những biến cố tim mạch này có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
Tết đáng lẽ là dịp để nghỉ ngơi, thư giãn, thoải mái, vui vẻ nhưng do có quá nhiều việc như chuẩn bị đón Tết, thăm bạn bè, người thân, tiếp khách, họp mặt gia đình, cơ quan, đi lễ chùa…, người bệnh tim mạch có thể bị xáo trộn nếp sinh hoạt, không có thời gian nghỉ ngơi, mệt mỏi, stress, thiếu ngủ…
Những ngày Tết, thạc sĩ Khoa khuyến cáo những người có tiền sử bệnh tim mạch cần có chế độ ăn lành mạnh. Những nghiên cứu gần đây cho thấy trên 90% dân số có chế độ ăn không thật hợp lý. Nhìn chung, trong chế độ ăn hàng ngày, cần hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol (nên dưới 300 mg/ngày); tránh thức ăn nhiều chất béo bão hòa, nhiều chất béo trans; ăn ít muối (ít hơn 1,5 mg/ngày); ăn ít đường; ăn nhiều các loại rau, quả (chứa nhiều vitamin và muối khoáng, ít năng lượng, nhiều chất xơ).
Cần thường xuyên vận động, tập thể dục đều đặn. Việc ít vận động khiến năng lượng trong cơ thể không được sử dụng, từ đó làm tăng nguy cơ gặp các tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì. Cần vận động với cường độ trung bình (chẳng hạn như đi bộ nhanh) ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong một tuần. Điều này giúp tăng cường sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành, đột quỵ, đái tháo đường, giúp tinh thần sảng khoái, giảm stress.
Không hút thuốc lá chủ động và thụ động. Theo thạc sĩ Khoa hiện nay có nhiều nghiên cứu cho thấy khói thuốc có liên quan hoặc là nguyên nhân nhiều bệnh lý như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh phổi, tác dụng xấu đến sức khỏe phụ nữ, phụ nữ mang thai và thai nhi. Hầu hết các bệnh tim mạch như bệnh tim do thấp, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, tâm phế mạn, bệnh mạch máu não, xơ vữa động mạch, phình động mạch chủ, bệnh mạch máu ngoại biên… đều tăng nguy cơ ở những người hút thuốc.
Ngày tết cần tránh để tăng cân. Thừa cân béo phì là một trong những yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường.
Khánh Chi