Ngày mai kết thúc đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh còn cơ hội cuối tránh sai sót
17 giờ ngày 20/8 là thời hạn cuối để thí sinh đăng ký xét tuyển nguyện vọng xét tuyển đại học năm nay trên Hệ thống tuyển sinh của Bộ hoặc Cổng dịch vụ công quốc gia.
Sau thời điểm trên, hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển và thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng. Bắt đầu từ ngày 21/8 đến 17 giờ ngày 28/8, thí sinh thực hiện nộp lệ phí xác nhận nguyện vọng xét tuyển.
Lưu ý về thay đổi nguyện vọng, Thạc sĩ Trần Nam - Trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐH Quốc gia TP HCM, lưu ý rằng việc thay đổi nguyện vọng so với dự định là việc quan trọng và cần chuẩn bị kỹ để tránh sai sót.
Thí sinh nên tìm hiểu kỹ về ngành mà thí sinh muốn đặt nguyện vọng như: tổ hợp xét tuyển, điểm chuẩn qua các năm, chương trình đào tạo, học phí, cơ hội việc làm, ký túc xá (nếu có), các hoạt động hỗ trợ người học (học bổng, hỗ trợ việc làm, chính sách...).
Ảnh minh họa |
Còn ông Võ Thiện Cang - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, thời điểm này thí sinh cần kiểm tra, đánh giá, hệ thống lại các nguyện vọng ngành học, trường học mà mình có mong muốn theo học, căn cứ vào điểm số mình đạt được để đặt nguyện vọng phù hợp.
“Riêng những thí sinh đã nhận được thông báo trúng tuyển sớm vào các trường đại học của các cơ sở giáo dục đại học bằng những phương thức tuyển sinh khác ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT thì thì sinh cần kiểm tra lại xem mình đã đăng ký lên hệ thống hay chưa, nếu có nguyện vọng theo học bằng phương thức trúng tuyển nào thí sinh cần đặt làm nguyện vọng 1 lên hệ thống đăng ký xét tuyển. Thời gian đăng ký trước 17h ngày 20/8.
Sau thời gian đăng ký xét tuyển, từ ngày 21/8 đến 17h ngày 28/8, hệ thống chỉ cho phép thí sinh nộp lệ phí xét tuyển cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong thời gian này, thí sinh sẽ không có quyền đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển", ông Cang cảnh báo.
Bên cạnh đó, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM thông tin thêm, hiện tại trên hệ thống vẫn còn rất nhiều phiếu đăng ký của thí sinh chưa được duyệt thông tin. Do đó, ông đề nghị các điểm tiếp nhận hồ sơ của thí sinh là các trường THPT, Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn thành phố cần tiến hành duyệt phiếu đăng ký cho thí sinh tại chức năng "Quản lý phiếu đăng ký =>> Danh sách phiếu đăng ký". Có như vậy mới giúp các trường đại học, cao đẳng nhìn thấy nguyện vọng của thí sinh và xét tuyển được.
Ðể bảo đảm công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, giúp các thí sinh đạt được nguyện vọng mong muốn và phù hợp với điều kiện, yêu cầu ngành xét tuyển, Bộ GD&ĐT cũng đã yêu cầu các cơ sở đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh và các văn bản hướng dẫn. Các sở giáo dục và đào tạo tăng cường truyền thông, khuyến cáo, nhắc nhở thí sinh biết và thực hiện đúng kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tránh nhầm lẫn, sai sót làm mất đi cơ hội xét tuyển.
Chiến thuật tránh điểm cao vẫn trượt
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - khuyên thí sinh nên đăng ký khoảng 4 - 6 nguyện vọng cùng nhóm ngành chứ không nên đăng ký quá nhiều.
Việc đăng ký cần thực hiện theo nguyên tắc nguyện vọng 1, 2 là những ngành ở những trường yêu thích nhất và điểm chuẩn năm 2021 cao hơn điểm thi thí sinh đang có khoảng chừng 1 - 2 điểm. Sau đó, nguyện vọng tiếp theo đến những ngành ở những trường mà mình yêu thích và có điểm chuẩn năm 2021 bằng điểm thi của thí sinh. Cuối cùng là đến những ngành ở những trường có điểm chuẩn năm 2021 thấp hơn điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh.
“Với cách sắp xếp thứ tự nguyện vọng như vậy, chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển vào ngành ở trường mà mình yêu thích”, thạc sĩ Sơn nhấn mạnh.
Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng phụ trách Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM thì khuyên thí sinh nên đăng ký vào ngành học yêu thích ở 3 mức: trường có điểm chuẩn thuộc top cao, trung bình và thấp. Lưu ý là trong cùng một mức điểm chuẩn sẽ có nhiều trường có mức điểm chuẩn tương đương nhau. Ví dụ, đối với ngành luật của các cơ sở đào tạo phía nam thì điểm chuẩn thuộc top cao có Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM).
Tiếp theo đó, nhóm trường có điểm chuẩn ở mức giữa gồm: Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Tiếp nữa đến nhóm các trường như: Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang…
Hoàng Thanh