Ngân hàng Việt Nam hướng tới phát thải ròng bằng “0”
Theo các chuyên gia, tất cả các tổ chức tài chính, bao gồm cả ngân hàng, hiện đang phải đối mặt với rủi ro về môi trường và xã hội do khách hàng và bên nhận đầu tư.
Nếu không được quản lý thấu đáo, những rủi ro này có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của tổ chức tài chính và dẫn đến kiện tụng tốn kém hoặc mất lợi nhuận, doanh thu.
Để đảm bảo khả năng chống chịu của ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện nhiều bước công việc để thúc đẩy tài chính bền vững, bao gồm việc đưa ra các hướng dẫn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong các hoạt động cấp tín dụng.
Phát triển bền vững là ưu tiên lâu dài của Chính phủ Việt Nam. Điều này được nhấn mạnh tại Hội nghị Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu được diễn ra tại Glasgow năm 2021, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ngành tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đơn cử như việc chuyển nguồn vốn đầu tư từ các hoạt động sử dụng nhiều các bon sang các dự án xanh và bền vững hơn.
Trong xu hướng đó, ngành ngân hàng có trách nhiệm chính trong việc xanh hóa dòng vốn đầu tư cho phát triển bền vững. Theo Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), các ngân hàng trong nước của Việt Nam là nguồn tài chính chủ chốt cho các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió, chiếm 3,6 tỷ USD đầu tư từ năm 2018 đến năm 2020.
Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sự chuyển đổi này phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính ngày càng khắt khe hơn.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đến ngày 30/6 năm nay mới đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp hơn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cấp tín dụng xanh; ban hành Thông tư quản lý rủi ro về môi trường và xã hội theo các nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao tại Luật Bảo vệ môi trường cũng như Nghị định 08 về hướng dẫn triển khai một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Tuân Nguyễn