Ngân hàng tăng cường quản lý rủi ro, kiểm soát chặt hoạt động rửa tiền
Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam, hiện nay, các ngân hàng đang từng bước cải thiện quy trình và hệ thống quản trị rủi ro, nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường và cơ quan quản lý về thắt chặt kiểm soát, ngăn ngừa khủng hoảng xảy ra
Mặt khác, tư duy của các nhà lãnh đạo ngân hàng cũng thay đổi, theo đó, bên cạnh việc tiếp tục xu hướng trước đây, các ngân hàng bắt đầu quan tâm đến những khía cạnh khác của quản lý rủi ro, như đề ra những biện pháp chủ động kiểm soát rủi ro phi tài chính và nâng cao tính chịu trách nhiệm về quản lý rủi ro của các nhân viên.
Theo bà Dương, nguyên nhân của sự thay đổi trong tư duy này là do các chi phí khổng lồ từ các rủi ro phi tài chính, bao gồm các rủi ro liên quan đến luật pháp, các sai phạm trong nguyên tắc ứng xử, các hoạt động rửa tiền, rủi ro tuân thủ, rủi ro hệ thống và rủi ro danh tiếng. Bởi thống kê cho thấy, có tới 69% các ngân hàng có ảnh hưởng quan trọng đến hệ thống toàn cầu (nhóm G-SIBs) tham gia khảo sát đã báo cáo các khoản lỗ lớn có liên quan tới các rủi ro phi tài chính (bao gồm chi phí phạt từ các cơ quan chức năng) hơn 1 tỷ USD trong vòng 3 năm qua.
Bên cạnh đó, việc nâng cao tính chịu trách nhiệm của nhân viên, đặc biệt là nhân viên thuộc bộ phận kinh doanh đang được xem là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo ngân hàng toàn cầu trong việc củng cố và nâng cao văn hóa quản trị rủi ro của mình. Xu hướng này phát sinh từ thực trạng của hầu hết các ngân hàng toàn cầu, cụ thể là sự độc lập của ba vòng bảo vệ trong quản trị rủi ro ngày càng cao, trong đó các ngân hàng quá chú trọng vào vòng bảo vệ thứ hai. Điều này dẫn đến hệ lụy là các ngân hàng thường phải xử lý các rủi ro đã xảy ra, thay vì ngăn ngừa chúng phát sinh và các tổn thất, thiệt hại mà các ngân hàng phải gánh chịu rất lớn.
Có thể thấy, hầu hết các ngân hàng đã có những thay đổi lớn trong quan điểm quản trị rủi ro. Bên cạnh những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong việc củng cố và nâng cao năng lực quản trị rủi ro của hệ thống ngân hàng bằng việc ban hành các quy định mới về an toàn trong hoạt động, thì hiện nay, các ngân hàng cũng đã chủ động và tích cực để xây dựng khung quản trị rủi ro, hướng tới phù hợp và tuân thủ theo thông lệ quốc tế.
Hiện tại, ngoài 10 ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thí điểm thực hiện tuân thủ quy định an toàn vốn theo Basel II, các ngân hàng khác cũng đã bắt đầu thực hiện các dự án đầu tiên về đánh giá mức độ tuân thủ theo Basel II.