Ngân hàng có thể rủi ro lớn nếu lơ là chống rửa tiền
Các phương thức, thủ đoạn rửa tiền qua ngân hàng được “nhận diện” chủ yếu là rửa tiền qua hoạt động thẻ; rửa tiền qua tín dụng và tài trợ thương mại; rửa tiền qua các hoạt động khác như chứng khoán, chuyển phát nhanh tiền mặt, chuyển tiền qua ngân hàng...
Rửa tiền qua ngân hàng ngày càng phức tạp, tinh vi |
Tùy theo quy định của mỗi NHTM, các bộ phận có trách nhiệm về công tác PCRT có thể được tổ chức theo mô hình cụ thể khác nhau song thông thường bao gồm các cấp và đơn vị tại trụ sở chính và các chi nhánh.
Rửa tiền có thể khiến cho hoạt động của ngân hàng ngưng trệ.
Bởi, một ngân hàng liên quan tới rửa tiền thì không những uy tín hình ảnh ngân hàng mất đi mà hoạt động ngân hàng hoạt động trên cơ sở niềm tin nên ngân hàng đó sẽ gặp rủi ro thanh khoản.
“Lúc đó sẽ phải tiến hành nhiều “động tác” ngăn chặn và hậu quả là tăng chi phí, giảm doanh thu. Ngân hàng đối diện với nguy cơ rơi vào kiểm soát đặc biệt hoặc phá sản, giải thể”- Đại diện một NHTM chia sẻ.
Theo kinh nghiệm về PCRT của một số nhà băng lớn trên thế giới, như MayBank, thì chống rửa tiền được thực hiện thông qua hệ thống báo cáo và xử lý giao dịch đáng ngờ. Trong quá trình giao dịch với khách hàng, nếu nghi ngờ giao dịch đó có dấu hiệu của hoạt động phạm pháp, rửa tiền, tài trợ khủng bố, phải khẩn trương tiến hành làm báo cáo giao dịch đáng ngờ và gửi càng nhanh càng tốt cho Bộ phận PCRT. Kinh nghiệm nhận biết khách hàng (KYC) và cập nhật thông tin khách hàng (CDD) của MayBank là cấu phần đặc biệt trong nhận dạng giao dịch đáng ngờ, bao gồm thẩm tra nhận dạng khách hàng từ các nguồn độc lập khác nhau; nhận dạng và thẩm tra quyền sở hữu và kiểm soát của người hưởng lợi… Thủ tục CDD thường được tiến hành khi khách hàng thực hiện một giao dịch vượt ngưỡng quy định, có nghi ngờ về rửa tiền hay tài trợ khủng bố, nghi ngờ về tính chính xác hoặc không đầy đủ thông tin do khách hàng cung cấp.
Hiện thời, mỗi ngân hàng trong hệ thống tài chính Việt Nam đều bố trí một thành viên ban điều hành chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về PCRT tại đơn vị. Tùy theo quy mô, mức độ, phạm vi và đặc thù hoạt động của mình, từng ngân hàng có thể thành lập bộ phận chuyên trách hoặc chỉ định một bộ phận tại trụ sở chính chịu trách nhiệm về PCRT; quy định rõ trách nhiệm của người phụ trách PCRT và của từng cá nhân, bộ phận trong quá trình tác nghiệp đảm bảo việc thực hiện quy chế nội bộ về PCRT của ngân hàng.
Tuy nhiên, để hoạt động PCRT của ngân hàng hiệu quả hơn và nhất là ngăn ngừa hệ quả xấu nhất có thể xảy ra thì các ngân hàng cần phải nhận thức và đầu tư bài bản hơn nữa về công nghệ thông tin cho PCRT, không để nước đến chân mới nhảy.