Ngăn chặn sự nhũng nhiễu thông qua Luật Hành chính công
Dự thảo Luật Hành chính công đang được lấy ý kiến rộng rãi người dân và các chuyên gia trước khi trình Chính phủ. Dự thảo bao gồm 7 Chương, 58 Điều, trong đó đáng chú ý là Điều 6 quy định các hành vi bị cấm đối với cán bộ công chức, viên chức; người được ủy quyền thực hiện cung ứng dịch vụ công; người đứng đầu cơ quan, tổ chức của nhà nước cung ứng dịch vụ công; người đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp...
Theo đó, Dự thảo Luật cấm cán bộ công chức, viên chức; người được ủy quyền thực hiện cung ứng dịch vụ công tự ý đặt ra các khoản thu dưới mọi hình thức, lợi dụng quy định của pháp luật để xâm phạm tài sản công; Sử dụng nguồn lực công hoặc tham mưu, đề xuất giải quyết công việc, ban hành văn bản có nội dung trái pháp luật vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ….
Tại Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Hành chính công do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) tổ chức chiều 12/07, TS. Nguyễn Hồng Sơn – Thành viên Ban soạn thảo, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp – cho rằng dự án luật này nếu được thông qua sẽ góp phần chống tiêu cực, chống tham nhũng và những chi phí không chính thức, qua đó làm giảm sự thoái hóa, biến chất, sự lệch chuẩn của công chức nhà nước.
Dịch vụ công bao gồm 3 loại dịch vụ: Dịch vụ hành chính công; dịch vụ sự nghiệp công; và dịch vụ công ích. Các luật hiện hành và các văn bản của Chính phủ cũng đã có những cơ chế cho việc này, nhưng Luật Hành chính công quy định cao hơn so với cơ chế vận hành hiện tại của nền hành chính.
Việc Ban soạn thảo đặt ra những hành vi nghiêm cấm là để tạo ra hệ thống chuẩn chung cho thực thi công vụ trong thực hiện luật quản lý hành chính công. Theo GS-TS. Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Luật Hành chính công nếu làm tốt sẽ loại bỏ lợi ích nhóm, tham nhũng, loại bỏ từ tham nhũng vặt cho đến tham nhũng lớn.
Là “bà đỡ” cho Dự thảo luật này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh - Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng Ban soạn thảo Luật Hành chính công – cho hay, Luật còn giúp cho người đứng đầu các cơ quan, tổ chức của nhà nước; và tổ chức có thẩm quyền cung ứng dịch vụ công tự tin hơn, biết cần phải làm gì, giảm bớt sự khó khăn trong quản lý điều hành, có thêm công cụ trong quản lý điều hành.
“Việc xây dựng pháp luật của chúng ta từ trước đến nay trên cơ sở từ Bộ đề xuất lên mà chưa có một khung chính sách pháp luật. Chúng tôi muốn đề xuất luật này để có sự quản lý điều hành kín kẽ hơn, có những nguyên tắc chung trong quản lý điều hành,” bà Trần Thị Quốc Khánh nói.
Về vấn đề cải cách thủ tục hành chính và Chính phủ điện tử, bà Khánh cho rằng nếu cải cách hành chính nhưng không gắn với Chính phủ điện tử sẽ rất khó khăn. Việc cải cách hành chính nhiều năm qua không có sự kết nối liên thông, cho dù các bộ ngành đều ứng dụng CNTT.
Cũng theo bà Khánh, nền hành chính hiện đại phải là hành chính phục vụ, chứ không phải hành chính mệnh lệnh cứng nhắc. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải có sự đổi mới về công nghệ trong thủ tục hành chính, nếu không sẽ là rào cản của sự bứt phá, cản trở khát vọng làm giàu của người dân và doanh nghiệp.