NATO ‘gồng mình’ đối phó với máy bay Nga
Chỉ trong một ngày Không quân NATO đã phải “gồng mình” đối phó với máy bay Nga trên các vùng biển, đây là hành động căng thẳng mới nhất kể từ sau cuộc họp NATO tuần trước.
Theo Sputnik, ngày 30/3, NATO mới đây thông báo, chỉ trong ngày 29/3, NATO đã 10 lần điều máy bay chiến đấu để ngăn chặn máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga ở Bắc Đại Tây Dương, Biển Bắc, Biển Đen và Biển Baltic.
NATO cho biết, các máy bay chiến đấu của NATO đã 10 lần cất cánh trong ngày hôm đó, để “sánh vai” cùng với máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Nga. Các khu vực xảy ra sự kiện này bao gồm Bắc Đại Tây Dương, Biển Bắc, Biển Đen và Biển Baltic. Sáu nhóm máy bay quân sự khác nhau của Nga đã bị ngăn chặn gần không phận NATO, tổng cộng mất hơn 6 giờ đồng hồ.
Máy bay chiến đấu Typhoon của Anh chặn Su-30 của Nga. Nguồn: Sina. |
Hoạt động của các máy bay Nga trên bầu trời châu Âu diễn ra cùng ngày Bộ Chỉ huy Không gian Bắc Mỹ cho biết họ đã phát hiện và theo dõi máy bay Nga ngoài khơi bờ biển Alaska. NATO cũng nhấn mạnh không có máy bay nào của Nga đi vào không phận quốc gia của các quốc gia thành viên và các vụ đánh chặn được coi là đảm bảo an toàn.
Cụ thể, chiến đấu cơ F-16 của Na Uy tranh đã phát hiện hai nhóm máy bay quân sự của Nga gần bờ biển của Na Uy. Những chiếc chiến đấu cơ này đã bay cảnh giới hai máy bay ném bom Tu-95 Nga đang bay về phía nam trên Biển Bắc. Sự việc đã khiến Vương quốc Anh và Bỉ lần lượt cử các máy bay Typhoon và F-16 tới hỗ trợ. Các máy bay F-16 của Na Uy sau đó cũng đã chặn hai máy bay ném bom Tu-160 Nga trên vùng biển quốc tế gần đó.
Trong một cuộc chạm trán khác, NATO cho biết các chiến đấu cơ của Italy đã bay cảnh giới một máy bay tuần tra hàng hải II-38 cùng dàn chiến đấu cơ hộ tống của Nga trên Biển Baltic xuất phát từ Kaliningrad.
Lãnh thổ Kaliningrad là một trong những khu vực quân sự hóa nặng nhất của Nga, nằm bên bờ biển Baltic giữa Ba Lan và Litva. Nó bị ngăn cách với đất liền Nga bởi các vùng đất của các quốc gia thành viên NATO là Litva và Latvia, và không giáp với bất kỳ khu vực nào khác của Nga, khiến lãnh thổ này có khả năng bị phương Tây tấn công trong trường hợp xảy ra chiến tranh lớn.
Do vậy, mỗi lần máy bay Nga xuất phát từ Kaliningrad là sẽ có một số máy bay của NATO theo sát. “Việc máy bay quân sự Nga bị ngăn chặn cho thấy NATO có ý chí và khả năng bảo vệ bầu trời của các đồng minh 24/7”, Thiếu tướng Andrew Hansen - Phó tham mưu trưởng chiến dịch của Bộ Chỉ huy Không quân Đồng minh nhấn mạnh.
Theo các báo cáo trước đó, Hạm đội Phương Bắc của Nga trước đó đã thông báo rằng hai máy bay chống ngầm Tu-142 đã thực hiện các nhiệm vụ ở Biển Bắc, đông bắc Đại Tây Dương và Biển Barents dưới sự bảo vệ của các máy bay chiến đấu Su-33. Chuyến bay Tu-142 kéo dài khoảng 11 giờ và được theo dõi và giám sát bởi các máy bay chiến đấu của Không quân Na Uy và Anh ở Biển Na Uy, Biển Bắc.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/3 tuyên bố rằng, hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga đã hoàn thành các nhiệm vụ bay thường lệ trên vùng biển trung lập ở Biển Barents và Biển Na Uy, trong hơn 8 giờ. Ngoài ra, Hải quân Nga đã điều động các máy bay đánh chặn MiG-31 để hộ tống.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, lực lượng hàng không tầm xa của Nga thường xuyên thực hiện các sứ mệnh trên Bắc Cực, Bắc Đại Tây Dương, Biển Đen, Biển Baltic và các vùng biển trung lập ở Thái Bình Dương. Máy bay quân sự của Nga tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của luật hàng không quốc tế trong suốt chuyến bay.
Trong năm 2020, các máy bay NATO đã xuất kích hơn 400 lần để cảnh giới các máy bay “lạ”. 90% trong số đó là các vụ chặn máy bay Nga. NATO cho rằng các hoạt động của máy bay Nga là mối nguy đối với giao thông hàng không dân dụng châu Âu vì máy bay Nga không truyền phát tín hiệu hay liên lạc với kiểm soát viên không lưu khi bay.
Hiện căng thẳng giữa Mỹ và các quốc gia đồng minh với Nga đang ở mức cao. Tuần trước, tại một cuộc họp của NATO ở Brussels, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng cáo buộc Nga có "những hành động liều lĩnh và mang tính đối đầu", cũng như cho rằng Moscow đã "xây dựng một lực lượng, tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn và thực hiện các hành động đe dọa ở Biển Baltic và Biển Đen”.
USS Zumwalt chuẩn bị được ‘độ’ bằng tên lửa khủng để ‘nắn gân’ Trung Quốc?
Mỹ có kế hoạch trang bị bệ phóng tên lửa siêu thanh cho các tàu khu trục Zumwalt, đây là một chương trình quan trọng trong kế hoạch “nắn gân” đối thủ ở Thái Bình Dương.
Đức Trí (lược dịch)