Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam lên 10-15 bậc vào năm 2020
Tại Nghị quyết 02 của Chính phủ xác định rõ 1 trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 là đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Bộ TT&TT làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử
Hôm nay, ngày 1/1/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết 02 của Chính phủ là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới), UN (Liên hợp quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ các mục tiêu: nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh-EoDB (của Ngân hàng thế giới) lên 15 - 20 bậc, trong năm 2019 tăng 5-7 bậc; Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh-GCI 4.0 (của Diễn đàn kinh tế thế giới) tăng 5-10 bậc, trong năm 2019 tăng 3 - 5 bậc. Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo-GII (của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới) lên 5-7 bậc, trong năm 2019 tăng từ 2-3 bậc; Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của Ngân hàng thế giới) lên 5-10 bậc; Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của Diễn đàn kinh tế thế giới) lên 10-15 bậc, trong năm 2019 tăng 7-10 bậc; và nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) lên 10-15 bậc năm 2020.
Cũng tại Nghị quyết 02 mới được Chính phủ ban hành, để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra, Chính phủ xác định rõ 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sẽ được tập trung triển khai trong thời gian tới, bao gồm: Tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần;
Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018; Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia; Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup).
Theo phân công của Chính phủ, Bộ TT&TT được giao làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phân công Bộ TT&TT chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các chỉ số thành phần gồm: B5 (Chỉ số ứng dụng CNTT thuộc bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh GCI 4.0), C1, C4, C5 và C6 (chỉ số Hạ tầng CNTT, chỉ số CNTT và sáng tạo trong mô hình kinh doanh, chỉ số CNTT và sáng tạo trong mô hình kinh doanh của tổ chức và các chỉ số thuộc nhóm Sáng tạo trực tuyến thuộc bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo GII).
Bộ TT&TT cùng các bộ khác được Chính phủ phân công làm đầu mối theo dõi các bộ chỉ số và chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần có trách nhiệm: căn cứ Nghị quyết 02 để xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện, trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện và thời hạn hoàn thành theo các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, ban hành trong Quý I/2019; xây dựng tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo, thời hạn ban hành là trong quý I/2019. Tài liệu hướng dẫn phải được công khai trên website của bộ, cơ quan
Tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp ở cấp độ 4
Cũng tại Nghị quyết 02 ngày 1/1/2019, để đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Bộ TT&TT được giao trước quý II/2019 tháo gỡ triệt để những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp viễn thông trong cấp phép khai thác băng tần 2.6GHz triển khai mạng 4G; đảm bảo cho các doanh nghiệp viễn thông được thi tuyển, đấu giá, cấp phép băng tần theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời, trong quý I/2019, Bộ TT&TT chủ trì, hoàn thành xây dựng Kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025; hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử (với cấp bộ), Kiến trúc Chính quyền điện tử (với cấp tỉnh).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được yêu cầu trước quý III/2019, báo cáo Chính phủ phương án cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử không qua tài khoản thanh toán ngân hàng; xác định hạn mức số tiền tối đa nạp ví điện tử và giá trị giao dịch hàng tháng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm yêu cầu các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán áp dụng Tiêu chuẩn cơ sở QR Code để đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền QR code; Phối hợp với Bộ Tài chính liệt kê và công khai chi tiết danh mục các giao dịch bắt buộc phải thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản; trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt trong quý IV/2019.
Với Bộ Tài chính, Bộ này được chỉ đạo trước quý III/2019 rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính cho phép các tổ chức hành chính, sự nghiệp và doanh nghiệp được chi trả phí dịch vụ cho các dịch vụ thanh toán điện tử.
Bộ Công an chịu trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiệm vụ được giao tại Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020; chủ trì xây dựng CSDL về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông; áp dụng thống nhất việc định danh các khoản thu phạt vi phạm hành chính (mã ID); kết nối, chia sẻ thông tin thu phạt với Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp được giao quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và các đơn vị có liên quan; ứng dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu phạt vi phạm hành chính.
Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan thiết lập và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia trước tháng 12/2019; kết nối với Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra việc cải cách thủ tục hành chính, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính... Theo dõi, đôn đốc, tham mưu việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 ở các bộ, ngành, địa phương.
Cùng với đó, Nghị quyết 02 cũng vạch rõ các nhiệm vụ cụ thể Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ LĐTB&XH, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ trì thực hiện nhằm đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.
Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) được Liên hợp quốc thực hiện 2 năm/lần. Năm 2018 là lần thứ mười Liên hợp quốc thực hiện báo cáo báo cáo này nhằm đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển Chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên của tổ chức mình một cách tương đối thông qua việc khảo sát, đánh giá kết quả các quốc gia và vùng lãnh thổ đạt được trong 3 nhóm chỉ số thành phần gồm Chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), Chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và Chỉ số nguồn lực (HCI).
Theo Báo cáo Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Liên hợp quốc, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2016, xếp hạng 88/193 quốc gia và đứng thứ 6/11 quốc gia trong khu vực ASEAN. Trong đó, Chỉ số Dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng đáng kể so với 2016 (59/193 quốc gia); Chỉ số Hạ tầng viễn thông (TII) liên tục giảm trong 4 kỳ báo cáo gần nhất, nằm dưới mức trung bình của cả khu vực và thế giới (xếp hạng 100/193 quốc gia); Chỉ số nguồn nhân lực (HCI) tăng nhẹ so với 2016 (xếp hạng 120/193), cao hơn mức trung bình của thế giới nhưng thấp hơn so với mức trung bình của châu Á và ASEAN.