Nắng nóng kéo dài, bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, cảnh báo sai lầm khiến bệnh trở nặng
Trời nắng nóng kéo dài khiến bệnh nhân ùn ùn nhập viện, trong số này đa phần là người già và trẻ em. Cách nào giảm thiểu những rủi ro có thể gặp phải?
Bệnh nhân tăng đột biến, có nơi tăng 150-200%
Ghi nhận tại bệnh viện Lão khoa Trung ương, trong đợt nắng nóng này bệnh nhân vào viện tăng gấp đôi, thậm chí có ngày tăng gấp 3. Trong đó, bệnh nhân bị đột quỵ chiếm 30-40% số bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ nặng nhiều hơn trước. Ngoài đột quỵ, bác sĩ cũng gặp khá nhiều các ca rối loạn điện giải…
Đối với trẻ em, số lượng trẻ mắc bệnh viêm phế quản, phổi... tăng đột biến do nằm máy lạnh liên tục trong thời tiết nắng nóng kéo dài.
Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Khoa Nhi và Đơn nguyên Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, cho biết hơn một tháng trở lại đây, số lượng bệnh nhi đến khám tăng đột biến, khoảng 150-200% so với hai tháng trước.
Tương tự, bệnh nhi đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Đại học Y cũng tăng nhanh, với ba bệnh lý phổ biến là bệnh đường hô hấp, tay chân miệng và sốt nôn - tiêu chảy.
Còn tại Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, nhân viên phải sắp xếp, điều phối giường do số ca nhập viện tăng gấp hai đến ba lần; còn lượng khám tăng gấp nhiều lần, cao điểm là 400 ca một ngày.
Không chỉ tại Hà Nội, ghi nhận tại các địa phương số bệnh nhân nhập viện do nắng nóng cũng tăng lên đáng kể. Đơn cử như tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang, theo thống kê của bệnh viện, từ đầu tuần đến nay, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 600-800 lượt người bệnh đến khám bệnh, trong đó có khoảng hơn 70% bệnh nhân là người cao tuổi và trẻ em.
Ảnh minh hoạ |
Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ CKII Đào Ngọc Việt – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, tại khoa Cấp cứu, nhiều bệnh nhân nhập viện do say nắng nóng, mất nước, rối loạn điện giải, sốc nhiệt, ngộ độc thực phẩm, nặng hơn là các trường hợp bị đột quỵ não, đột quỵ tim…Thời tiết nắng nóng cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các bệnh mãn tính bị tái phát như: tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), đái tháo đường, bệnh lý tim mạch …
Bên cạnh đó, nhiều gia đình chống nóng bằng biện pháp quạt gió mạnh trực tiếp vào người hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp gây nên nhiễm lạnh, viêm phổi…
Cách sống khoẻ trong đợt nắng nóng gay gắt
Để phòng ngừa các bệnh có thể gặp trong những ngày thời tiết nắng nóng, Bác sỹ CKII Đào Ngọc Việt khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi ngoài đường hoặc làm việc ngoài trời nắng gay gắt.
Thay vào đó, nên làm việc ngoài trời vào khi sáng sớm hoặc chiều mát. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, hoặc làm việc ngoài trời nắng nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo, đeo kính, khẩu trang… chống nắng.
Để tránh mất nước và rối loạn điện giải, người dân cần uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, mất nước nhiều nên uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol… tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người; Tránh ra vào phòng điều hòa đột ngột gây sốc nhiệt...
Đối với trẻ em, theo các bác sĩ, phần lớn trẻ nhập viện đều mắc các bệnh lý đường hô hấp như sốt cao, ho, khò khè, khó thở, viêm tiểu phế quản, viêm phổi... Nhiều bé hai đến ba tháng tuổi đã bị ho, viêm phổi nặng, suy hô hấp phải thở oxy, điều trị tích cực. Nguyên nhân chính gây bệnh là do virus hợp bào hô hấp (RSV).
Nếu trẻ ở phòng lạnh, điều hòa quá lâu, không khí khô sẽ khiến niêm mạc mũi dễ tổn thương, virus dễ xâm nhập. Ngoài ra, nắng nóng và tia cực tím khiến sức đề kháng của trẻ giảm. Việc bài tiết nhiều mồ hôi hơn có thể dẫn tới thiếu nước, rối loạn điện giải, dễ mắc bệnh.
Do đó, trước diễn biến thời tiết nắng nóng được dự báo tiếp tục kéo dài, bác sĩ khuyến cáo gia đình nên lập chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho con, tạo sức đề kháng tốt.
Sử dụng điều hòa từ 27-28 độ, không nên để lạnh hoặc nóng quá, thường xuyên mở cửa, lau chùi đồ đạc, tránh tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, không nên để hơi lạnh từ điều hòa hay quạt xả thẳng vào người; hoặc uống nước đá, ăn đồ lạnh khiến vùng hầu họng bị lạnh đột ngột, dễ nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, phụ huynh nên cho trẻ ở trong nhà thoáng khí, mát mẻ, tránh để con vui chơi, hoạt động thể chất ngoài nắng quá lâu. Nếu cần ra ngoài, cho trẻ đội mũ vành rộng, quần áo sáng màu, chất vải nhẹ nhàng. Nếu đi biển, không cho các em tắm vào thời điểm nắng nóng từ 10-16 giờ.
N. Huyền