Nâng cao nội lực để tăng trưởng kinh tế bền vững
TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, năm 2022 là một năm đặc biệt, có 2 mảng sáng tối trong nền kinh tế.
Dẫn con số 11 tháng đầu năm, số doanh nghiệp mới thành lập tăng 33% so với năm 2021; ông Lộc cho rằng, con số này minh chứng cho việc trong khó khăn các doanh nghiệp trẻ vẫn có tinh thần khởi nghiệp cao.
Tuy nhiên, cũng trong 11 tháng đầu năm đã có 123.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, đây là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy, đối mặt với những thách thức, những yếu kém trong nội bộ của doanh nghiệp được bộc lộ ra, tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh, buộc các doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường.
Song, nhìn ở góc độ tích cực, những yếu tố khách quan này tạo nên sự đổi mới, buộc các doanh nghiệp thay đổi để thanh lọc, khiến cho quá trình tái cấu trúc của thị trường diễn ra mạnh mẽ hơn.
Chuẩn bị bước vào 2023 với những khó khăn và thách thức mới, theo ông Lộc, các doanh nghiệp chỉ có thể nâng cao nội lực để ứng phó với sự thay đổi. Đây sẽ là yếu tố giúp năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp được cải thiện và mở rộng hơn nữa.
Để thích ứng với bối cảnh mới và vượt qua thách thức, vị chuyên gia này cho rằng, ngày nay có nhiều doanh nghiệp đi theo hướng phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi nhân văn.
Theo ông Lộc, một trong những yếu tố quan trọng, đó là các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực pháp lý, bởi chúng ta không chỉ cần môi trường kinh doanh thuận lợi, mà còn cần môi trường an toàn. An toàn pháp lý trong kinh doanh là rất quan trọng, cần an toàn trong thể chế, minh bạch, công bằng, không hình sự hóa.
“Các doanh nghiệp hãy quan tâm nhiều hơn vấn đề pháp lý trong kinh doanh của mình, khi ký kết hợp đồng cần tư vấn, luật sư tư vấn cho mình tránh phát sinh những rủi ro. Các doanh nghiệp cần đưa nội dung quản trị rủi ro vào những chiến lược kinh doanh. Đưa vào kế hoạch sản xuất kinh doanh hay hợp đồng những điều khoản khi nảy sinh tranh chấp, nguyên tắc tranh chấp…”, ông Lộc lưu ý thêm.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, theo Nghị quyết số 68 của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Cụ thể, ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả đất, tài nguyên.
Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.
So với những khó khăn đã trải qua, ông Hiếu đánh giá, kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2022 đáng phấn khởi; trong đó, chúng ta đã thực hiện thành công một phần cơ cấu nền kinh tế.
Tuy nhiên, thời gian tới cũng đặt ra nhiều thách thức ở nội tại và bên ngoài; doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Do vậy, ông cho rằng, năm 2023 là năm phải thực thi các hành động một cách mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời và đầy đủ các giải pháp đã đề ra.
Đặc biệt, ông Hiếu cho rằng, cần tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ như vấn đề đầu tư công; giải quyết các vấn đề phát sinh mới, vướng mắc tránh những giải pháp đột ngột, không dự báo trước được khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc thích ứng, chuyển hướng.
Đồng thời, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và cần quan tâm đặc biệt tới sự minh bạch và công bằng, hướng tới chất lượng cao hơn không chỉ đơn thuần là giải quyết các thủ tục hành chính.
Khôi Nguyên