Nâng cao nhận thức ứng phó với bạo lực giới cho đồng bào dân tộc Điện Biên
Các đại biểu tham gia thảo luận tại lễ khởi động dự án |
Dự án được tài trợ của Ủy ban châu Âu triển khai từ năm 2018 đến năm 2021 tại 4 xã thuộc huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, CARE Quốc tế tại Việt Nam cùng Viện Phát triển sức khoẻ cộng đồng Ánh sáng (LIGHT) đồng triển khai với sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Điện Biên (CCD).
Đây là lần đầu tiên tại Điện Biên có một dự án tập trung giảm thiểu vấn đề bạo lực giới trong cộng đồng người dân tộc thiểu số nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Tính đến năm 2016, dân số của tỉnh Điện Biên là 557.400 người với mật độ dân số là 58 người/km². Trong đó, dân số nam và dân số nữ xấp xỉ nhau, khoảng 278.700 người; dân số thành thị đạt 84.000 người và dân số nông thôn đạt 473.400 người. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số của Điện Biên là 13,3%.
Theo thống kê của Tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến năm 2009, tỉnh Điện Biên có 33 dân tộc sinh sống bao gồm: Thái, Mông, Kinh, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Giáy, La Hủ, Lự, Hoa, Kháng, Mảng, Tày, Nùng, Mường,... Trong đó, dân tộc Thái là dân tộc có dân số đông nhất với 186.270 người, chiếm 38,4% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Mông xếp thứ hai với 170.648 người, chiếm 34,8% dân số toàn tỉnh. Dân tộc Kinh có dân số đông thứ ba với 90.323 người, chiếm khoảng 20% dân số tỉnh.
Theo bà Lê Kim Dung, Giám đốc Tổ chức CARE quốc tế Việt Nam, bạo lực giới là vấn đề như "tảng băng chìm" ở Việt Nam. Đây không phải là vấn đề của riêng nhóm thiểu số, mà là của nhiều nhóm và tầng lớp khác nhau trong xã hội. Tất nhiên, phụ nữ dân tộc thiểu số gặp những rào cản và thách thức đặc thù so với phụ nữ đa số, chẳng hạn như hạn chế về khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông và khả năng đi lại, do đó họ càng khó tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khi bị bạo lực.
Cho đến nay, truyền thông và các cơ quan quản lý chủ yếu quan tâm vấn đề bạo lực giới ở khu vực đồng bằng, nơi có đông người Kinh sinh sống mặc dù đây cũng là vấn đề dai dẳng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số. Khảo sát vào tháng 7 vừa qua của CARE với 329 nữ giới và 101 nam giới tại 4 xã Mường Phăng, Pa Khoang, Thanh Nưa và Hua Thanh, huyện Điện Biên cho thấy trong 12 tháng qua (từ tháng 7 năm 2018 trở về trước), có tới hơn ba phần tư (77,5%) phụ nữ từng chịu ít nhất một dạng bạo lực. Số người từng bị bạo lực tinh thần lần lượt là 66,6%; 35% và 32% tương ứng với các hành vi chửi mắng, đe dọa và kiểm soát đi lại.
Kết quả khảo sát về một số quan điểm, định kiến giới ảnh hưởng đến hành vi ứng xử của phụ nữ và nam giới đã phần nào lý giải về hành vi bạo hành của nam giới cũng như những phản ứng khi bị bạo hành của phụ nữ: 46,5% nam giới được khảo sát quan niệm rằng mắng chửi không phải là bạo hành; hơn 40% phụ nữ đồng ý với quan niệm khi bị đánh họ cần nín nhịn để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Thậm chí một nửa số phụ nữ tham gia khảo sát cho rằng có thể tha thứ cho hành vi đánh vợ của những ông chồng.
Sau hơn ba năm, dự án kỳ vọng sẽ nâng cao hiểu biết của cộng đồng và chính quyền địa phương về bạo lực giới; phụ nữ dân tộc thiểu số bị bạo lực lên tiếng về tình trạng của mình cũng như được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ hỗ trợ; và vấn đề bạo lực giới của người dân tộc thiểu số sẽ được đưa vào các hoạt động vận động chính sách vì một cuộc sống không còn bạo lực.
Để làm được điều đó, dự án sẽ tiến hành các hoạt động nhằm thúc đẩy sự suy ngẫm của người tham gia về các nguyên nhân gốc rễ như sự bất bình đẳng giới; thúc đẩy sự tham gia của nam giới vào những hoạt động ở cấp thôn bản; tăng cường năng lực của các đơn vị có liên quan trong việc cung cấp dịch vụ cho người bị bạo hành; gia tăng tiếng nói của người dân trong các chính sách liên quan đến phòng, chống bạo lực giới.