Nam sinh TP.HCM mồ côi ba bị kẻ xấu lừa ‘ba con tai nạn’
Theo ông Tuấn, sự việc xảy ra vào trưa 24/3. Nam sinh lớp 12 của trường đứng chờ người thân đến đón ở cổng trường. Một người đàn ông chạy xe máy đến nói: "Ba con bị tai nạn giao thông, lên xe chú chở đến bệnh viện. Chú là bạn của ba con".
Vì ba của nam sinh này đã mất nên em chạy vào phòng giám thị báo cáo sự việc. Khi giám thị và bảo vệ Trường THPT Phú Nhuận ra cổng trường, người đàn ông kia đã rời khỏi hiện trường.
Theo ông Tuấn, em học sinh này đã học cấp 3 nên biết xử lý sự việc. Khi xảy ra sự việc em chạy vào trường báo bảo vệ, nếu rơi vào trường hợp những học sinh nhỏ hơn sẽ không biết thế nào. Vì các đối tượng lừa đảo đánh vào tâm lý hốt hoảng của các em.
Cách đây ít hôm mạng xã hội lan truyền tin nhắn có nội dung: "Thông báo: Hôm nay Trường Tiểu học Long Thạnh Mỹ xảy ra trường hợp học sinh đợi ba mẹ ngotài cổng trường, một người đàn ông nói với em: Ba con bị tai nạn giao thông, chú là bạn của ba con, lên xe chú chở con đến bệnh viện.
Rất may trong trường hợp này, ba của học sinh đó đã mất, em sợ quá báo với giáo viên. Đây là trường hợp rất nguy hiểm, rất mong phụ huynh nhắc nhở học sinh không nên ra khỏi cổng trường khi ba mẹ chưa đến đón và không tự ý đi bộ hay theo ai về. Trên lớp giáo viên cũng nhắc nhở các em thường xuyên".
Hiệu trưởng nhà trường, bà Nguyễn Thị Thanh Phước, khẳng định, đây là thông tin không chính xác vì Trường Tiểu học Long Thạnh Mỹ có hàng rào và 2 bảo vệ túc trực tại cổng trường. Phụ huynh đến đón con đều phải ở ngoài cổng trường, học sinh ở khu vực bên trong.
Vào giờ tan học, học sinh ở trong khuôn viên trường chờ phụ huynh đón và có sự quản lý của giáo viên chủ nhiệm. Khi phụ huynh tới đón, bảo vệ nhà trường và thầy cô chủ nhiệm bàn giao học sinh cho phụ huynh rồi mới về. Nhà trường hoàn toàn không để học sinh đứng chờ phụ huynh ở cổng trường dẫn đến tình huống dụ dỗ nêu trên.
Tuy nhiên với thông tin lan truyền trên mạng xã hội để phụ huynh, giáo viên và nhà trường nâng cao cảnh giác, không chủ quan và siết chặt thêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh. Nhà trường tăng cường công tác phối hợp với phụ huynh, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh để các em có những kỹ năng cơ bản nhất trong bảo vệ bản thân, nhận diện những tình huống nguy hiểm...
Thời gian vừa qua, ở TP.HCM và một số địa phương cả nước diễn ra tình trạng phụ huynh bị các đối tượng lừa đảo “con cấp cứu ở bệnh viện” chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Sau đó, dư luận đặt ra câu hỏi, các đối tượng lừa đảo lấy thông tin học sinh, phụ huynh ở đâu.
Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM, khẳng định, dữ liệu phục vụ công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục được bảo mật nghiêm ngặt, do đó việc lộ lọt thông tin phụ huynh không xuất phát từ ngành giáo dục.
Tại tọa đàm lỗ hổng thông tin và giải pháp đảm bảo an ninh mạng trong trường học, Đại uý Huỳnh Đỗ Tấn Thịnh, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM, cho hay, mỗi ngày phòng cảnh sát hình công an TP.HCM nhận từ 20-30 đơn tố cáo của người dân về việc bị lừa đảo. Cách thức lừa đảo rất đa dạng như mượn danh người quen, dùng hình ảnh, thậm chí mượn danh cơ quan nhà nước.
Về lỗ hổng thông tin do đâu, Đại uý Tấn Thịnh cho hay, 20% là các doanh nghiệp và cơ quan làm lộ thông tin; 80% là cá nhân tự làm lộ thông tin. Đặc biệt thế hệ gen Z hiện nay đang làm lộ thông tin của mình bằng cách tham gia các mạng xã hội như TikTok…
Một số nhà giáo khẳng định, nhà trường rất coi trọng việc bảo mật thông tin của học sinh. Tuy nhiên, điều khó khăn là khi có sự việc gì với học sinh, các đối tác đều muốn xin lấy thông tin học sinh. Đơn giản một hãng sữa tặng sữa cũng yêu cầu lấy thông tin những em uống sữa.
Bên cạnh đó, các trường đại học đến xin thông tin học sinh để tuyển sinh. Ngoài ra, các nhà giáo cảnh báo, để tránh lộ thông tin học sinh, phụ huynh nên hạn chế khoe thành tích của con trên mạng xã hội.
Lê Huyền