Kẻ lừa đảo dụ nam sinh bôi sốt cà chua lên người giả làm máu để tống tiền người mẹ
Nam sinh 16 tuổi vẫn bị bọn lừa đảo điều khiển thực hiện vụ bắt cóc giả để tống tiền người thân dù biết rõ bản thân không phạm tội
Nam sinh người Trung Quốc (16 tuổi) bị những kẻ lừa đảo dụ dỗ tạo ra một vụ bắt cóc giả để lấy tiền chuộc từ mẹ đẻ. Trước đó, nam sinh bị những kẻ lừa đảo cáo buộc buôn lậu thuốc lá vào Singapore cùng nhiều tội danh khác.
Theo Straits Times, vào cuối tháng Tám, Ethan (tên nhân vật đã được thay đổi), đang theo học tại Singapore bất ngờ nhận được cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên “Bộ Y tế”. Trong lúc nói chuyện, người này cáo buộc Ethan lan truyền tin đồn về dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc và tham gia đường dây buôn lậu.
Biết rõ bản thân vô tội, Ethan đã phủ nhận mọi lời cáo buộc. Tuy nhiên, người gọi điện lại nói rằng mẹ của nam sinh có thể đã đưa thông tin cá nhân của con trai cho những kẻ lừa đảo, và những thông tin này được dùng để thực hiện hành vi phạm tội dưới danh nghĩa của Ethan. Ngoài ra, người gọi điện còn nói rằng “cảnh sát Trung Quốc” sẽ liên lạc với Ethan để điều tra thêm về sự việc.
Khi “cảnh sát Trung Quốc” gọi tới, Ethan được thông báo mẹ cậu có liên quan tới hành vi rửa tiền, và nam sinh được yêu cầu dàn dựng một vụ bắt cóc giả để thuyết phục người mẹ nhận tội.
Là người thân thiết với mẹ, Ethan tin rằng mẹ mình không lừa dối con trai, và cũng không tham gia hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, lo sợ mẹ đẻ có thể vướng vào vòng lao lý nên Ethan đã đồng ý dàn dựng một vụ bắt cóc giả.
“Tôi biết mình không phạm tội. Nhưng tôi sợ nếu như không làm theo lời (cảnh sát), tôi sẽ không thể trở về Trung Quốc đại lục và tôi sợ mình phải đi tù”, Ethan chia sẻ với truyền thông.
Cũng theo Ethan, cậu lo sợ cho số phận của người mẹ bởi “tại Trung Quốc, rửa tiền là trọng tội”.
Theo luật pháp Trung Quốc, đối tượng phạm tội rửa tiền có thể phải ngồi tù 10 năm và nộp phạt số tiền tương ứng 5 – 20% khoản thu phạm pháp.
Chưa hết các đối tượng lừa đảo còn yêu cầu Ethan không liên lạc với bất cứ ai trong “quá trình cảnh sát đang tiến hành điều tra”.
Vào ngày 12/9, Ethan được hướng dẫn rời khỏi kí túc xá sinh viên tới nơi dàn dựng hiện trường vụ bắt cóc giả. Các đối tượng lừa đảo đã thuê một chiếc xe để chở Ethan tới địa điểm quay phim. Khi quay phim, nam sinh bị trói tay ngồi trên ghế sofa.
Để đoạn phim trở nên chân thực hơn, Ethan được yêu cầu mua một chai sốt cà chua ở siêu thị và bôi lên người để giả làm máu. Băng gạc cũng được dính trên khắp cơ thể Ethan để trông như cậu bị tra tấn.
“Chuyện này rất lạ, nhưng tôi không có bằng chứng để chứng minh nó là một vụ lừa đảo. Tôi không dám nói chuyện cho bất cứ ai vì lo sợ hậu quả sau này”, Ethan chia sẻ thêm.
Sau đó, bọn lừa đảo đã gửi video cho mẹ của Ethan, người đang sinh sống ở Trung Quốc đại lục, đồng thời yêu cầu số tiền chuộc là 1 triệu nhân dân tệ (200.000 đô la Singapore). Không rõ bằng cách nào mà các đối tượng phạm pháp lại có được thông tin liên lạc với mẹ của Ethan, cũng như thông tin cá nhân của Ethan.
Tuy nhiên, mẹ của Ethan, một nhà thiết kế ngoài 40 tuổi đã không tin vào nội dung trong đoạn video mà bọn lừa đảo gửi tới.
Vào ngày 13/9, Ethan được cảnh sát Singapore giải cứu an toàn. Cơ quan chức năng cho biết nam sinh đã trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo giả làm cán bộ ở Trung Quốc. Cảnh sát đã nhận được thông báo vào một ngày trước đó, sau khi người quản lý ký túc xá sinh viên phát hiện Ethan biến mất.
Tương tự như Ethan, một người đàn ông Trung Quốc (24 tuổi) cũng trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo tương tự. Người này tới Singapore vào tháng Bảy để học lấy bằng Thạc sĩ. Các đối tượng lừa đảo đã cáo buộc người đàn ông nhập khẩu trái phép thuốc trị Covid-19 vào Singapore. Các đối tượng lừa đảo sau đó yêu cầu người đàn ông quay video giả vờ bị bắt cóc để “phục vụ công tác điều tra của phía cảnh sát Trung Quốc”.
Theo số liệu thống kê, từ tháng 1 – 8/2022, cảnh sát Singapore đã nhận được báo cáo về 476 vụ lừa đảo giả làm cán bộ ở Trung Quốc đại lục và tổng số tiền các nạn nhân bị lừa là 57,3 triệu đô la Singapore. Trong cùng kỳ năm ngoái, con số này là 474 vụ và bị lừa 61,9 triệu đô la Singapore.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, Singapore phát hiện 10 vụ lừa đảo có quy mô lớn nhất chiếm đoạt số tiền 227,8 triệu đô la Singapore, so với con số 142,5 triệu đô la Singapore vào cùng kỳ năm ngoái.
Minh Thu (lược dịch)