Năm nay thí sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển thế nào?
Năm nay, Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như năm ngoái mà thay vào đó là kỳ thi tốt nghiệp. Vậy sau khi có kết quả thi, thí sinh có được thay đổi nguyện vọng xét tuyển như năm ngoái không?
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Quy chế tuyển sinh đại học quy định: Thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển một lần trực tuyến (online) hoặc bằng phiếu điều chỉnh và nộp tại điểm tiếp nhận sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh đã xét tuyển, trúng tuyển và nhập học (nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi) bằng các phương thức xét tuyển khác trước ngày xét tuyển đợt 1 thì không được tham gia xét tuyển đợt 1”.
Như vậy, về cơ bản việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh vẫn như năm ngoái, không thay đổi.
Ảnh minh họa |
Về việc xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay của những thí sinh tự do, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết, đối với các trường xét tuyển đợt bổ sung hoặc xét tuyển không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT (xét tuyển bằng kết quả học bậc THPT hoặc tổ chức thi riêng,…) thì thí sinh phải đăng ký xét tuyển tại trường (online hoặc nộp trực tiếp theo quy định của từng trường).
Đối với thí sinh (kể cả thí sinh tự do) đăng ký xét tuyển vào các trường có sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển trong đợt 1 sẽ được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Thí sinh đăng ký xét tuyển cùng với đăng ký dự thi trên một phiếu và nộp tại các điểm tiếp nhận do sở giáo dục và đào tạo quy định. Thí sinh được một lần đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.
Về việc nhiều người cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT khiến các trường đại học “xoay như chong chóng”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lý giải: Trước hết phải khẳng định những thay đổi hiện nay là do tình hình bất khả kháng của đại dịch bệnh trên toàn thế giới, nên nền KT-XH Việt Nam cũng như các hoạt động giáo dục đào tạo cũng bị ảnh hưởng là không tránh khỏi.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải lùi lại, dự kiến vào tháng 8, do tình hình dịch bệnh, vì vậy công tác tuyển sinh cũng phải có những điều chỉnh phù hợp tương ứng.
Việc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT với các đề thi giảm độ khó (nhưng vẫn có tính chất phân hóa) thực chất không gây ảnh hưởng tới hầu hết các cơ sở giáo dục đại học vẫn chủ yếu sử dụng phương án xét tuyển dựa trên kết quả học tập qua học bạ, cũng như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với chủ trương tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, chặt chẽ, minh bạch gồm các bài kiểm tra: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, 1 bài tự chọn (KHTN hoặc KHXH), trong đó cho phép tính điểm thành phần các môn riêng lẻ trong bài thi tự chọn, các trường đại học vẫn có căn cứ để xét tuyển theo các tổ hợp.
Trong đề án tuyển sinh của mình, hầu hết các trường vẫn xác định sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học, đồng thời kết hợp với các phương thức tuyển sinh đa dạng khác.
Đề thi năm nay vẫn có độ phân hóa, từ đó phân loại được các em học sinh đạt chuẩn (chuẩn đầu ra của giáo dục THPT), những em trên chuẩn, trên chuẩn bao xa… để trên cơ sở đó, rất nhiều trường ĐH vẫn có thể sử dụng để xét tuyển.
Theo khảo sát của chúng tôi và qua báo cáo nhanh của các trường gửi về, hầu hết các trường đều vẫn căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh, dù tỉ trọng thí sinh trúng tuyển qua hình thức này có thể giảm đi so với năm trước.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố đề thi minh họa phục vụ cho kỳ thi này để các học sinh và nhà trường có thể tham khảo.
Hoàng Thanh