Nam Định chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản giai đoạn 2021 - 2030
Mục tiêu của kế hoạch nhằm chủ động phòng, khống chế, giám sát phát hiện kịp thời các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, ngao, nghêu, hàu và đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng...
Nam Định chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 (Ảnh minh họa) |
Để chủ động phòng bệnh, khống chế và kiểm soát có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi và xây dựng thành công cơ sở sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.
Mục tiêu của kế hoạch là chủ động phòng, khống chế, giám sát phát hiện kịp thời các bệnh nguy hiểm ở tôm nuôi nước lợ, ngao/nghêu, hàu và đối tượng thủy sản nuôi khác, không để mầm bệnh lây lan rộng; ngăn chặn có hiệu quả một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm, nguy cơ xâm nhiễm các bệnh mới nổi vào tỉnh; xây dựng thành công ít nhất 3 cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE).
Cụ thể một số giải pháp Nam Định đưa ra chủ yếu thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản, gồm:
Phòng bệnh và khống chế có hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành tập trung, huy động các nguồn lực để chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các bệnh nguy hiểm trên thủy sản; áp dụng các quy trình kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh.
Giám sát bị động và chủ động tại các vùng nuôi và cơ sở nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống; trường hợp phát hiện động vật thủy sản có dấu hiệu bất thường, nghi mắc bệnh tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh và các thông số quan trắc môi trường… Điều tra dịch tễ và hướng dẫn các biện pháp xử lý nhằm loại bỏ tác nhân gây bệnh trong trường hợp mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với tác nhân gây bệnh nguy hiểm.
Thực hiện nghiêm việc kiểm dịch động vật thủy sản theo quy định của pháp luật; kiểm soát, ngăn chặn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán bất hợp pháp động vật thủy sản và sản phẩm động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Kiểm soát, ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản từ nước ngoài vào tỉnh, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Cục Thú y giám sát, quản lý chặt chẽ các lô hàng, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu từ nước ngoài vào tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức lấy mẫu giám sát, xét nghiệm các tác nhân gây bệnh nguy hiểm, các bệnh mới nổi trên thủy sản nhập khẩu vào tỉnh theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT;…
Xây dựng một số vùng, cơ sở, chuỗi sản xuất thủy sản an toàn dịch bệnh để phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Xây dựng cơ sở dữ liệu của địa phương và doanh nghiệp về hiện trạng nuôi trồng thủy sản, quan trắc môi trường, tình hình dịch bệnh, giám sát dịch bệnh, các tài liệu liên quan để được công nhận an toàn dịch bệnh.
Giám sát chủ động, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh với các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi trên tôm nuôi và một số bệnh theo yêu cầu của thị trường.
Thảo Nguyên