Nam BN1553 có dấu hiệu đông đặc phổi
Trong số các bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương nhập viện đáng chú ý có bệnh nhân 1553, nam thanh niên là nhân viên an ninh sân bay Vân Đồn có bệnh lý đái tháo đường tuyp 1 kèm theo.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Văn Bắc, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho hay bệnh nhân 1553 (nam, 31 tuổi, trú tại Hạ Long, Quảng Ninh) hiện vẫn sốt và chưa thể tiên lượng tình trạng sức khỏe. Đây là nhân viên sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh), ca bệnh được Bộ Y tế công bố sáng 28/1.
Trước đó, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy bệnh nhân bị viêm phổi do virus khá nghiêm trọng, đông đặc phân thùy 10 trường phổi 2 bên, tổn thương khoảng 20%. Do đó, người này được chuyển từ khoa Nội tổng hợp xuống khoa Cấp cứu nhằm hỗ trợ thở oxy kính liều thấp.
Bệnh nhân này còn khá trẻ nhưng có tiền sử đái tháo đường type I. Do đó, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có nguy cơ biến chứng nặng khi mắc Covid-19, phải theo dõi sát sao trong thời gian tới.
Ảnh minh họa |
Trước thông tin người bệnh nhiễm chủng virus mới có tốc độc lây lan nhanh, trưa 29/1, PGS Nguyễn Trường Sơn – Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quốc gia đã có công điện khẩn gửi tới các cơ sở y tế. Theo đó, PGS Sơn đề nghị giám đốc các cơ sở khám, chữa bệnh siết chặt công tác sàng lọc, phân luồng, khắc phục ngay các vấn đề tồn tại. Đồng thời, các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, thực hiện xử phạt người không đeo khẩu trang.
Việc bảo vệ nhân viên y tế làm việc tại nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt lưu ý. Vì vậy, các cơ sở này cần được cung cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn; rà soát lại máy thở, trang thiết bị, cơ số thuốc, vật tư.
Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và khu vực Đồng bằng sông Hồng điều trị, phân luồng người bệnh nặng và không có diễn biến nặng, chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết; nâng cấp độ công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất.
Toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại phải được lấy mẫu xét nghiệm để phát hiện sớm các nguy cơ dịch bệnh. Các bệnh viện có thể áp dụng phương pháp gộp mẫu phù hợp dựa trên việc đánh giá nguy cơ.
Phương Thúy