Năm 2020, huyện Hải Hậu quyết tâm đạt chuẩn NTM bền vững và phát triển kiểu mẫu
Hải Hậu (Nam Định) là huyện đầu tiên có 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), được Thủ tướng ban hành quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM từ tháng 6/2015. Phát huy kết quả đạt được, cán bộ và nhân dân huyện Hải Hậu đang quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn NTM bền vững và phát triển kiểu mẫu vào năm 2020.
Để thực hiện được điều đó, ông Mai Văn Quyết, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hải Hậu cho biết, UBND huyện ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng môi trường, đảm bảo phát triển bền vững giai đoạn 2015 – 2020, ban hành bộ tiêu chí xây dựng xóm, tổ dân phố NTM bền vững phát triển giai đoạn 2016-2020 và bộ tiêu chí xây dựng xã, thị trấn NTM bền vững và phát triển giai đoạn 2016-2020, một trong những nội dung quan trọng của giai đoạn này là xây dựng môi trường nông thôn “sáng – xanh – sạch- đẹp, an toàn””.
Huyện Hải Hậu quyết tâm đạt chuẩn NTM bền vững và phát triển kiểu mẫu vào năm 2020. |
Theo đó, đối với việc tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt và rác thải rắn, UBND huyện Hải Hậu đã ban hành quy định xử phạt các hành vi xả rác thải, chất rắn ra môi trường, nơi công cộng theo quy định của pháp luật. Mỗi xã, thị trấn có một tổ thu gom rác thải, thu từ 2-4 lần trong tuần, có 25 lò đốt rác bằng khí tự nhiên, 9 hố chôn rác thải đạt tiêu chuẩn của Sở Tài nguyên và môi trường. Để hạn chế rác thải, chất thải dồn về nơi thu gom tập trung, nơi công cộng, các xóm, tổ dân phố đều có nội quy, quy ước về thu gom rác thải, chất thải.
Với việc vệ sinh dòng sông, kênh mương, đồng ruộng, UBND huyện Hải Hậu đã có văn bản chỉ đạo về việc giải tỏa vật cản đảm bảo dòng chảy và vệ sinh môi trường, phân cấp quản lý và đảm nhận vệ sinh các tuyến sông, kênh mương cho các đơn vị theo từng cấp từ huyện đến thôn xóm. Trích từ nguồn thủy lợi phí và nguồn hỗ trợ của huyện là 1,5 triệu đồng/km/năm; phần còn lại các xã, thị trấn trích tối thiểu 30% từ nguồn sự nghiệp môi trường để xây dựng định mức khoán giải tỏa vật cản và vệ sinh dòng sông trung bình là 2-3 triệu đồng/km/năm.
Các cánh đồng đều có thùng chứa thuốc bảo vệ thực vật, các xã, thị trấn khoán quản vệ sinh kênh mương cấp 3 và thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác thải khác từ 0,3 – 0,5 triệu đồng/km/năm. Hàng tháng, quý các cơ quan chuyên môn của huyện phối kết hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành nghiệm thu, đánh giá các vị trí đã được khoán quản.
Các tuyến đường phố đa số được các Chi hội phụ nữ, chi đoàn thanh niên đảm nhận tự quản, hàng tuần vệ sinh môi trường, trồng và chăm sóc hoa ven đường.
Đối với môi trường trong chăn nuôi, ông Quyết cho biết, các xã, thị trấn đều đã xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, đang từng bước chuyển toàn bộ chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại vào nơi tập trung đã được quy hoạch. Hiện nay có 100% gia trại, trang trại chăn nuôi ký cam kết với UBND xã, thị trấn giữ gìn vệ sinh môi trường chăn nuôi thông qua việc xử lý chất thải bằng hầm bioga và phun các hóa chất khử trùng thường xuyên. Toàn huyện hiện có gần 1.495 hầm biogas/1.090 trang trại và gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Cũng theo, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hải Hậu, hưởng ứng phong trào xây dựng môi trường nông thôn “sáng – xanh – sạch- đẹp, an toàn”, các hộ gia đình đã tích cực đóng góp nhân vật lực để chỉnh trang khuôn viên gia đình, trồng hoa, trồng cây, nâng cấp hệ thống điện trên các tuyến đường, kiên cố hóa các tuyến sông kênh mương, xây dựng rãnh thoát nước trong khu dân cư, cảnh quan môi trường nông thôn đã chuyển biến tích cực.
Tính đến tháng 8/2017 đã trồng được 354km chiều dài đường hoa, tăng 154km so với năm 2016; làm mới 34 km hệ thống cột điện thắp sáng riêng biệt bằng cột đúc và đèn led (tăng 7km so với năm 2016); đã kè được trên 160 km sông các loại; đổ bê tông 835 km đường giao thông nội đồng, trồng được gần 350.000 cây bóng mát các loại dọc theo các tuyến đường.
Các xã, thị trấn duy trì hiệu quả phong trào toàn dân tổng vệ sinh mỗi tháng một lần và các dịp lễ trong năm. Hiện có 100% số hộ gia đình đều có nhà tiêu, nhà tắm, bếp, bể nước hợp vệ sinh và dùng nước sạch hợp vệ sinh. Có 24 làng nghề, tập trung vào các nghề: trồng hoa, cây cảnh, cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, dệt chiếu cói, dệt lưới, đồ gỗ mỹ nghệ, không có làng nghề cơ khí, các làng nghề đều có xây dựng đề án đánh giá tác động môi trường đơn giản.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hải Hậu Mai Văn Quyết cho rằng, để xây dựng môi trường nông thôn mới luôn “sáng – xanh – sạch- đẹp” bền vững cần xây dựng các nội dung công việc cụ thể, có quy chế kiểm tra giám sát và cần nâng cao ý thức của từng người dân tham gia bảo vệ môi trường.