Năm 2017: TP.Hồ Chí Minh sẽ có 39 điểm Bưu điện văn hóa xã
Xác định xây dựng nông thôn mới là cuộc cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ngoại thành Thành phố đồng lòng xây dựng cuộc sống khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất toàn diện; có nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Ngay từ khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Kết luận số 32-KL/TW ngày 20 tháng 11 năm 2008 của Bộ Chính trị và Thông báo kết luận số 238-TB/TW ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Ban Bí thư về đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới, Thành ủy, HĐND và UBND TP chủ động xây dựng và triển khai Chương trình hành động, chỉ đạo thành lập và khẩn trương đi vào hoạt động Ban Chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới 05 huyện, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới 56 xã để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố.
Năm 2009, Trung ương chọn xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) là 01 trong 11 xã xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới tại các xã ven đô thị lớn. Năm 2010, Thành phố chọn 5 xã (Thái Mỹ, huyện Củ Chi; Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn; Tân Nhựt, huyện Bình Chánh; Nhơn Đức, huyện Nhà Bè và Lý Nhơn, huyện Cần Giờ) để triển khai thực hiện đề án xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. Đến nay, 54/56 xã và 3/5 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thành phố đã tổ chức lễ ký kết hỗ trợ giữa 19 quận, 25 đảng ủy cấp trên cơ sở với 5 huyện các nội dung về xóa nhà tạm, dột nát, hỗ trợ học bổng và hộ nghèo phát triển sản xuất… Các tổ chức chính trị xã hội có phong trào thi đua riêng, có chương trình công tác chỉ đạo các cấp chung sức thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thành Đoàn có “Tháng thanh niên hành động xây dựng nông thôn mới”, “Phong trào thanh niên nông thôn lập nghiệp”, ngày hội “Hoa của đất”. Hội Phụ nữ phát động phong trào “Phụ nữ cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”. Hội Nông dân Thành phố phát động “Phong trào nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, xây dựng xã nông thôn mới”.
Hội Cựu Chiến binh đi đầu vận động nhân dân hiến đất làm đường, giữ gìn an ninh trật tự,.. Hội Sinh viên Việt Nam xây dựng kế hoạch sinh viên tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013 – 2015. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phát động thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Nhờ tổ chức tốt phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong thời gian qua đã xóa 2.991 căn nhà tạm, dột nát tại 5 huyện (sửa chữa 680 căn, xây mới 2.311 căn); tổng kinh phí thực hiện xóa nhà tạm, dột nát và công tác an sinh xã hội (học bổng, hộ nghèo…) trên 98,7 tỷ đồng.
Phong trào nông dân hiến đất làm đường, có 19.650 hộ dân hiến trên 2 triệu m2 đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy giá trị khoảng 1.500 tỉ đồng. Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí khoảng 47.540,3 tỷ đồng; trong đó huy động từ cộng đồng khoảng 37.121,8 tỷ đồng (chiếm 77,3%). Ngân sách Nhà nước hỗ trợ để tập trung hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, vai trò “mở đường” của nguồn vốn từ ngân sách đã phát huy hiệu quả trong việc huy động, định hướng các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.
Với thế mạnh là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực cung cấp các dịch vụ bưu chính, Bưu điện Việt Nam và Bưu điện TP.HCM đang tiếp tục xây dựng những quy trình, tiện ích khác nhằm đa dạng những tiện ích cung cấp đến người dân.
Hiện nay, ngoài các dịch vụ truyền thống điểm Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ còn cung cấp thêm những tiện ích khác như chuyển phát hồ sơ, thủ tục hành chính công, dịch vụ ngân hàng, chi trả lương hưu hay phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng….
Tính đến nay TP.HCM đã có 14 điểm Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ. Theo kế hoạch, đến năm 2017 TP sẽ có 39 điểm Bưu điện văn hóa xã phục vụ người dân.
Phải khẳng định phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ và phát huy sức dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Phát huy vai trò chủ thể của người dân chủ động tham gia xây dựng nông thôn mới. Nhiều phong trào xây dựng nông thôn mới người dân là chủ thể, như phong trào hiến đất, vật kiến trúc, đóng góp kinh phí, ngày công để làm đường; hỗ trợ cùng nhau phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, bảo vệ an ninh tổ quốc…
Cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư trong cộng đồng, nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần tại khu vực nông thôn không quá cách biệt so với nội thành, người dân ngày càng hưởng thụ nhiều hơn đời sống văn hóa, môi trường xanh, sạch, an ninh ổn định.