Mỹ 'tháo cùm' cho tên lửa Hàn Quốc, Trung Quốc liệu có sợ?
Việc Mỹ xóa bỏ các giới hạn liên quan tới hoạt động phát triển tên lửa của Hàn Quốc được cho sẽ khiến Trung Quốc lo ngại.
Mỹ đã quyết định để Hàn Quốc tự do phát triển các hệ thống tên lửa với tầm bắn vượt ngoài bán đảo Triều Tiên. Giới phân tích nhận định, động thái này sẽ giúp Hàn Quốc tăng tốc phát triển các công nghệ vũ khí, nhưng đồng thời khắc sâu sự đối đầu giữa Mỹ - Trung và căng thẳng Hàn - Trung.
Sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 21/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông “vui mừng thông báo việc Mỹ xóa bỏ các quy định liên quan tới tên lửa” vốn giới hạn hoạt động phát triển tên lửa của Seoul trong vài thập niên qua.
Quân đội Hàn Quốc thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Hàn Quốc) |
Ông Moon cũng nhấn mạnh, động thái của Mỹ là “hành động mang tính biểu tượng và quan trọng thể hiện mối quan hệ đồng minh khăng khít giữa hai nước”.
Tuyên bố của ông Moon được đưa ra sau khi hồi đầu năm nay, Seoul và Washington đạt được thỏa thuận chia sẻ gánh nặng tài chính duy trì hoạt động của 28.5000 binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Moon sẽ chi khoảng 1,18 ngàn tỉ won (1,05 tỉ USD) trong năm nay để duy trì hoạt động của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Khoản chi này tăng 13% so với năm 2019.
Các cố vấn an ninh của Tổng thống Moon cho hay, việc gỡ bỏ những hạn chế trong phát triển và sản xuất tên lửa giống như chuyện khôi phục “chủ quyền tên lửa” của Hàn Quốc.
"Tháo cùm" cho tên lửa Hàn Quốc
Vào năm 1979, Hàn Quốc đã đồng thuận giới hạn tầm bắn của các tên lửa đạn đạo nước này là 180 km và đầu đạn chỉ nặng tối đa là 500 kg để đổi lại được sử dụng công nghệ vũ khí của Mỹ.
Nhưng trước mối đe dọa ngày càng lớn từ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Mỹ - Hàn đã 4 lần đồng thuận xóa bỏ các lệnh cấm về tầm bắn và trọng lượng đầu đạn kể từ năm 2001. Thậm chí, vào năm 2012, Mỹ - Hàn đã quyết định mở rộng tầm bắn tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc lên 800 km. Điều này đồng nghĩa với việc mọi mục tiêu trên lãnh thổ Triều Tiên đều nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc.
Chưa hết tới năm 2017, giới hạn về trọng tải tên lửa của Hàn Quốc hoàn toàn bị xóa bỏ. Ngoài ra vào năm 2020, toàn bộ những lệnh cấm về sử dụng nhiên liệu rắn cũng đã được gỡ bỏ, mở đường cho hoạt động phát triển các dự án quân sự và vũ trụ bao gồm phóng vệ tinh của Hàn Quốc.
“Điều này có nghĩa là Hàn Quốc giờ được tự do phát triển và sở hữu bất cứ loại tên lửa đạn đạo nào bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa và tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn hơn 1.000 km”, ông Yang Uk, nhà phân tích cấp cao tại tổ chức phi chính phủ mang tên Diễn đàn An ninh và Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.
Cũng theo ông Yang, việc sở hữu những tên lửa có tầm bắn xa hơn cho phép Seoul linh động về vị trí phóng tên lửa, cũng như gia tăng vị thế ngoại giao.
Trong năm 2020, Hàn Quốc đã công bố sở hữu tên lửa đạn đạo thế hệ mới Hyunmoo-4, một trong những tên lửa có quy mô lớn nhất thế giới sử dụng đầu đạn thường.
Tên lửa Hyunmoo-4 có tầm bắn 800 km và tích hợp đầu đạn có trọng lượng từ 1 – 2 tấn. Nhưng theo ông Yang, tên lửa mới của Hàn Quốc có thể “gắn đầu đạn nặng tới 4 tấn”.
Ông Yang nói thêm, Hàn Quốc trên thực tế đã phát triển các tên lửa đạn đạo di dộng khó đánh chặn vào năm 2011 và 2012, tương tự như tên lửa Iskander của Nga. Gần đây, Hàn Quốc còn thành công phát triển các tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Cụ thể, tên lửa mới của Hàn Quốc có thể phóng từ tàu ngầm lớp Jangbogo-III trọng lượng 3.000 tấn để đối phó trước những mối đe dọa từ Triều Tiên.
Thậm chí, ông Park Won-gon, Giáo sư nghiên cứu Triều Tiên tại Đại học Nữ Ewha ở Seoul, cho rằng tên lửa Hyunmoo-4 của Hàn Quốc hoạt động hiệu quả cả ở phạm vi hơn 2.000 km.
Đối với Mỹ, việc giới hạn tầm bắn và tải trọng tên lửa của Hàn Quốc là nhằm tránh chọc giận Trung Quốc và Nga, cũng như né làm bùng phát cuộc đua vũ trang trong khu vực. Nhưng do căng thẳng Mỹ - Trung không ngừng gia tăng khiến Washington càng lo ngại. Trong khi đó, Bắc Kinh cách Seoul 950 km.
“Xóa bỏ các quy định về tên lửa đối với Hàn Quốc phù hợp với kế hoạch của Mỹ khi để các đồng minh tự tăng cường sức mạnh và năng lực tên lửa nhằm xây dựng một mạng lưới tên lửa trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhằm đối phó với Trung Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc hiện không tương đồng sức mạnh như Mỹ để tham gia ‘cuộc thi tên lửa’ với Trung Quốc trong khu vực”, ông Park chia sẻ với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP).
Cũng theo ông Park, Trung Quốc sẽ chọn cách im lặng sau khi Mỹ "mở khóa" tên lửa cho Hàn Quốc, bởi Bắc Kinh muốn tránh chọc giận Seoul cũng như đẩy Hàn Quốc thân thiết hơn với Mỹ.
“Trung Quốc sẽ khó có thể phản đối công khai, bởi chương trình phát triển tên lửa của Hàn Quốc không vi phạm bất cứ quy định quốc tế nào”, ông Park kết luận.
Nhưng Giáo sư Kim Heung-kyu tại Đại học Ajou thì cho rằng, việc xóa bỏ những rào cản phát triển tên lửa đối với Hàn Quốc sẽ khiến mối quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh thêm phần căng thẳng.
Trước đây, Trung Quốc từng khiến nhiều người Hàn Quốc tức giận sau khi tung đòn trừng phạt kinh tế để trả đũa việc Seoul đồng thuận để Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ quốc gia vào năm 2017.
Khác với Trung Quốc, trong tương lai gần, Triều Tiên dường như sẽ công khai phản đối chương trình phát triển tên lửa của Hàn Quốc. Bởi Bình Nhưỡng xem đây là hành động vi phạm các hiệp ước liên Triều về hạ nhiệt căng thẳng quân sự giữa hai nước. Cụ thể, ngay trong Đại hội đảng Lao động Triều Tiên lần thứ 8 hồi tháng Một, Bình Nhưỡng đã phản đối Seoul phát triển các loại vũ khí hiện đại trong tương lai.
Máy bay và tàu chiến Trung Quốc bám theo khu trục hạm Mỹ ở Biển Đông
Trung Quốc huy động máy bay cùng tàu chiến đi theo dõi hoạt động của khu trục hạm Mỹ ở Biển Đông.
Minh Thu (lược dịch)