Tình hình Syria: Chuyên gia Trung Quốc khen Nga thử siêu tăng T-14 ở Syria
Chuyên gia Trung Quốc khen Nga thử T-14 Armata ở Syria; Mỹ không có ý định hiện diện quân sự mãi mãi ở Syria là những diễn biến mới của tình hình Syria.
Chuyên gia Trung Quốc khen Nga thử T-14 Armata ở Syria
Các chuyên gia quân sự của quân đội Trung Quốc và Trung tâm Nghiên cứu quốc tế tại Trung Quốc kết luận rằng, những bài thử nghiệm chiến đấu của siêu tăng T-14 Armata do Nga sản xuất ở Syria đã chứng minh được hiệu quả.
Cụ thể, theo tờ People’s News, các chuyên gia Trung Quốc chỉ ra rằng điều kiện thời tiết và địa hình đồi núi phức tạp ở Syria đã tạo ra môi trường lý tưởng để thử nghiệm năng lực của vũ khí cũng như thiết bị quân sự.
Các chuyên gia Trung Quốc nhấn mạnh, “việc các tay súng phiến quân sử dụng tên lửa chống tăng chính là lý do khiến Nga cho thử nghiệm dòng xe tăng mới nhất tại Syria và kết quả là thành công”.
Quyết định thực hiện những bài kiểm tra hoạt động mang tính nguy hiểm đối với quân đội Nga càng làm tăng thêm mức độ tin cậy về năng lực phòng thủ công nghệ cao và khả năng phản công của T-14, theo các chuyên gia Trung Quốc.
Hồi đầu năm nay, một quan chức Nga cho hay các xe tăng T-14 Armata đã được thử nghiệm tại Syria và sẽ được bán ra thị trường quốc tế trong tương lai gần.
T-14 Armata là loại xe tăng tiên tiến nhất mà nước Nga từng chế tạo và là đối trọng với các xe tăng tốt nhất của phương Tây. Giá thành của một chiếc xe tăng Armata xấp xỉ 400 triệu rúp.
Xe tăng T-14 có chiều dài 10,8 m, rộng 3,5 m, khối lượng 55 tấn, sử dụng một pháo 2A82-1M cỡ nòng 125 mm, kíp lái 3 người. Xe được ra mắt lần đầu năm 2015 nhưng chưa được biên chế vào quân đội Nga. Mặc dù, thông số kỹ thuật chính xác của loại xe tăng này vẫn là một ẩn số, song nó được nhận định là loại xe tăng thế hệ thứ tư vô cùng tiên tiến, chiếm ưu thế hoàn toàn vượt trội trước các loại tăng hiện nay của khối NATO.
Chuyên gia Trung Quốc ca ngợi Nga thử nghiệm siêu tăng T-14 ở Syria. (Ảnh: AMN) |
Quân đội Mỹ sẽ không ở lại Syria mãi mãi
Tướng Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung ương Mỹ nhấn mạnh, Mỹ không có ý định hiện diện lâu dài ở Syria nhưng hiện chưa có kế hoạch rút toàn bộ quân khỏi quốc gia này.
“Tôi không biết chúng tôi sẽ ở lại Syria trong bao lâu, nhưng rõ ràng chúng tôi sẽ không ở đó mãi mãi. Tới một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ phải rời đi. Đó sẽ là một quyết định mang tính chính trị và chúng tôi sẵn sàng làm theo khi thời gian tới”, hãng tin AMN dẫn lời Tướng McKinsey phát biểu trong cuộc họp trực tuyến tại Viện Trung Đông ở Washington.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump ra thông báo rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi phía bắc Syria. Nhưng sau đó, ông Trump xác nhận một số binh sĩ Mỹ vẫn ở lại Syria để “bảo vệ” các mỏ dầu tại quốc gia Trung Đông này.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng cho hay, cơ quan này đã có kế hoạch tăng cường sự hiện diện quân sự ở phía đông bắc Syria nhằm ngăn chặn các tay súng khủng bố thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tiếp cận các mỏ dầu. Cũng theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Washington đang nghiên cứu cách thức điều động lực lượng tới khu vực để tăng cường bảo vệ các mỏ dầu ở Syria, giống như tuyên bố cách đây vài tháng của Tổng thống Trump về việc Mỹ đã tiêu diệt được IS ở Syria.
Trong khi đó, Nga và Syria đã hối thúc cộng đồng quốc tế gây sức ép để buộc Mỹ rút quân hoàn toàn khỏi các vùng chiếm đóng ở Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường quân và vũ khí tới Idlib
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết quốc gia này có kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự ở Syria nhằm phản ứng trước những cuộc tấn công của “quân chính phủ Syria”, cũng như nhấn mạnh trọng tâm hoạt động vẫn là tỉnh Idlib.
Đây là thông báo được Phòng Thông tin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ công bố trên tài khoản Twitter chính thức dưới tiêu đề “Vì sao Idlib lại quan trọng với Thổ Nhĩ Kỳ?”, kèm theo đó là một đoạn video về hoạt động chuẩn bị tăng cường sự hiện diện quân sự tới Idlib.
Trong tuyên bố, Phòng Thông tin của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh nước này đã đạt được những thành công lớn trong việc bảo vệ người dân giữa làn sóng di cư và cuộc chiến chống khủng bố.
Còn đoạn video đăng kèm về những sự kiện từng xảy ra ở Idlib cùng hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở trong khu vực đã ca ngợi “Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố quan trọng nhất giúp giải quyết cuộc nội chiến ở Syria đang dần bước sang năm thứ 10. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn là quốc gia có số người tị nạn tới sinh sống đông nhất thế giới mà phần lớn là người dân Syria, quốc gia có đường biên giới chung trên đất liền kéo dài 911 km với Thổ Nhĩ Kỳ”.
Trong tuyên bố cũng nhấn mạnh, “chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad và những lực lượng ủng hộ nhằm tìm cách giúp quân chính phủ Syria nắm toàn bộ quyền kiểm soát ở Idlib để duy trì quyền lực cho chính quyền Damascus và loại bỏ hoàn toàn các nhóm đối lập, đã phớt lờ việc gây ra thêm tổn thương cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc nội chiến ở Syria”.
Do đó, “Thổ Nhĩ Kỳ không còn lựa chọn nào khác là tăng cường sự hiện diện quân sự trong vùng và đáp trả trước các cuộc tấn công của quân đội Syria”.
Minh Thu (lược dịch)