Mỹ có thêm động thái siết chặt liên minh để đối phó với Trung Quốc
Khả năng các nhà lãnh đạo Bộ Tứ Kim Cương gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ sẽ lần đầu tiên họp mặt trực tiếp vào tháng Chín tới.
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ về kế hoạch tổ chức cuộc họp mặt đối mặt đầu tiên của nhóm Quad hay còn gọi là Bộ Tứ Kim Cương ở Washington vào cuối tháng Chín tới.
Đây là thông tin được Kyodo dẫn lời từ các nguồn tin ngoại giao. Trước đó, vào tháng Ba, các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ Kim Cương đã tổ chức cuộc họp trực tuyến lần đầu tiên kể từ khi ông Biden trở thành Tổng thống Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Kyodo) |
Cuộc họp trực tiếp đầu tiên của Bộ Tứ Kim Cương vào tháng Chín được cho nhằm khẳng định sự đoàn kết của 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, trong bối cảnh Trung Quốc không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng.
Ngoài ra, đề xuất của phía Mỹ sẽ là cách Tổng thống Biden xây dựng “vị thế sức mạnh” trước khi thực hiện đối thoại trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 ở Rome vào cuối tháng 10 tới.
Cũng theo các nguồn tin ngoại giao, cuộc họp thượng đỉnh của Bộ Tứ Kim Cương được cho diễn ra sau phiên thảo luận của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được lên lịch diễn ra ở New York vào tháng Chín.
Thông thường, phiên thảo luận sẽ có sự tham gia trực tiếp của các nhà lãnh đạo thế giới để đưa ra bài phát biểu tại trụ sở LHQ. Nhưng trong năm nay, các tuyên bố này được ghi âm trước do lo ngại về sự lây lan của đại dịch Covid-19. Do đó, chuyện các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Australia và Ấn Độ tới Mỹ là chưa chắc chắn.
Hồi tháng Sáu, ông Kurt Campbell, Điều phối viên của Nhà Trắng phụ trách khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng đã đề cập tới kế hoạch Mỹ sẽ cho tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ Tứ Kim Cương ở Washington vào mùa thu năm nay.
Nội dung cuộc họp được cho nhằm thảo luận về những nỗ lực mở rộng năng suất sản xuất vắc-xin Covid-19 và khả năng 4 nước hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng.
Động thái của Mỹ là nhằm tăng khả năng đối phó với Trung Quốc, quốc gia đang mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua chiến lược ngoại giao vắc-xin bằng cách cung cấp vắc-xin Covid-19 cho các nước đang phát triển, cũng như thông qua sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng mang tên “Vành đai và Con đường”.
Trước đó, vào tháng Tư, dàn tàu chiến của hải quân Mỹ - Nhật - Australia - Ấn Độ đã tiến hành cuộc tập trận 3 ngày tại vịnh Bengal từ ngày 5/4. Đây là cuộc diễn tập quân sự đầu tiên của Bộ Tứ Kim Cương, sau khi nhà lãnh đạo 4 nước tiến hành hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng Ba.
Cuộc tập trận đầu tiên của 4 thành viên Bộ Tứ Kim Cương được tiến hành chỉ sau 2 ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, những nỗ lực của các thành viên trong Bộ Tứ Kim Cương đóng vai trò quan trọng “trong việc đối phó với tầm ảnh hưởng hiểm ác của Trung Quốc trong khu vực”.
Về phần mình, Bắc Kinh nhiều lần lên tiếng cáo buộc sự xuất hiện của Bộ Tứ Kim Cương là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị xem Bộ Tứ Kim Cương là “mối đe dọa an ninh” và “hoạt động theo mô hình NATO ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Ban đầu, Bộ Tứ được chính thức thành lập nhằm đối phó với thảm họa động đất và sóng thần trên Ấn Độ Dương vào năm 2004. Nhưng hiện tại, nội dung trọng tâm của Bộ Tứ là an ninh khu vực.
Phu nhân của cố Tổng thống Haiti bất ngờ về nước sau thời gian điều trị tại Mỹ
Bà Martine Moise, phu nhân của cố Tổng thống Haiti Jovenel Moise, đã bất ngờ trở về nước hôm 17/7.
Minh Thu (lược dịch)