Mục tiêu tăng trưởng 2018 trong tầm tay nhưng lạm phát có là ẩn số?
Mục tiêu tăng trưởng của cả năm sẽ dễ dàng đạt được?
Số liệu của Tổng cục Thống kê (GS0) công bố hôm 28/9 cho thấy GDP quý 3/2018 tăng 6,88% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức tăng trưởng 7,38% trong quý 3/2017.
Trong khi đó, tăng trưởng GDP quý 2 cũng được điều chỉnh giảm xuống 6,73%, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng ước tính trước đó là 6,79%.
Theo GSO, mức tăng trưởng của từng khu vực như sau:
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,46% so với mức tăng 3,14% trong cùng kỳ năm ngoái và đạt mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2011. Trong đó, lâm nghiệp tăng trưởng mạnh nhất với mức tăng trưởng ấn tượng là 6,52%.
Thủy sản cũng tăng 6,48% so với cùng kỳ khi sản lượng cá tăng 6,7% so với mức tăng 7,9% so với cùng kỳ trong quý 3/2017 và sản lượng tôm cũng tăng 5,8% so với mức tăng 12,7% so với cùng kỳ trong quý 3/2017.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá mạnh 8,48% so với cùng kỳ, thấp hơn một chút so với mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm 2017 (là 9,62%).
Trong đó, ngành sản xuất và chế biến tăng 12,06% so với cùng kỳ, giảm tốc so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 16,63% so với cùng kỳ), tuy nhiên vẫn tăng mạnh hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2012-2015.
Tiếp đó, ngành khai khoáng giảm 3,26% so với cùng kỳ, tiếp nối xu hướng giảm trong quý 2 (giảm 3,06% so với cùng kỳ) trong khi đó quý 3 năm ngoái cũng giảm 8,62% so với cùng kỳ. Ngành xây dựng tăng 9,2% so với cùng kỳ (tăng 8,02% trong cùng kỳ năm ngoái).
Khu vực dịch vụ giảm tốc một chút với mức tăng 6,87% so với cùng kỳ (so với mức tăng trưởng 7,7% trong quý 3/2017). Bán buôn và bán lẻ tăng 8,91%, tương đương với mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái, là 8,92%.
Kinh doanh BĐS tăng 3,88% so với cùng kỳ, giảm tốc so với mức tăng 4,23% trong quý 3/2017. Các ngành khác có mức tăng trưởng giảm tốc nhiều hơn một chút.
Tính chung 9 tháng đầu năm GDP tăng 6,98% so với cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011. Theo đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng chính thức cả năm là 6,7%, GDP quý cuối của năm chỉ cần tăng khoảng 6,1% so với cùng kỳ.
Mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2018 được đánh giá là có thể dễ dàng đạt được khi mà tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của quý 4 trong 5 năm gần đây là 6,87%. Nếu giả định tăng trưởng GDP quý 4 năm nay dao động từ 6,1%-6,8%, khi đó tăng trưởng cả năm sẽ vào khoảng 6,7% - 6,9%. Và cũng có thể vượt mục tiêu lên 7% hoặc 7,1%.
Ảnh minh họa. |
NHNN dễ dàng hơn trong việc thắt chặt tín dụng
GDP quý 3 tăng trưởng rất tốt bất chấp việc NHNN có quan điểm thận trọng hơn đối với tăng trưởng tín dụng. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng chính thức là khoảng 17%, hạn mức tăng trưởng tín dụng cấp cho các ngân hàng thương mại chỉ là 14%.
Trong những năm trước, NHNN đã lựa chọn một số ngân hàng dựa trên chất lượng tài sản và cho phép tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại NHNN không có động thái tương tự.
Trên thực tế, NHNN đã gửi công văn đến các ngân hàng yêu cầu các ngân hàng tránh tăng cho vay đối với lĩnh vực có rủi ro cao hơn như BĐS, tiêu dùng và chứng khoán.
Trước đó, đã có một số lo ngại việc NHNN thắt chặt chính sách sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP quý 3. Tuy nhiên rõ ràng điều này đã không xảy ra cho dù tăng trưởng GDP quý 3 năm nay có giảm tốc so với năm ngoái.
Điểm mấu chốt ở đây là GDP quý 2 đã có sự tăng tốc. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), chính sách tiền tệ thắt chặt nói chung sẽ phải mất vài quý mới thể hiện ra trên số liệu tăng trưởng GDP (giảm tốc tăng trưởng GDP); cho vay DNNVV và cho vay các doanh nghiệp sản xuất khu vực FDI cũng như cho vay khu vực I (nông, lâm thủy sản) vẫn cao, trực tiếp giúp nền kinh tế tăng trưởng; hiệu quả cho vay hiện cao hơn nhiều nhờ các biện pháp định tính được sử dụng nhiều hơn trong quyết định cho vay.
NHNN đang muốn kiềm chế lạm phát, quyết tâm giữ lạm phát dưới 4% và giữ tỷ giá ổn định. Công cụ chính để đạt được điều này là chủ động hạn chế một chút tăng trưởng tín dụng.
Điều này có vẻ đã không mấy ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng GDP quý 3 nên nhiều khả năng NHNN sẽ tự tin để tiếp tục chính sách của mình ít nhất là cho đến cuối năm.
Lạm phát đã dịu xuống trong vài tháng qua và hiện đang dưới 4%. Tuy nhiên, trước đây lạm phát thường tăng tốc trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ nên NHNN sẽ vẫn tỏ ra thận trọng.
Điều này khiến tăng trưởng tín dụng ở một số ngân hàng sẽ thấp hơn kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận do thu nhập lãi thuần chịu ảnh hưởng một phần từ tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, HSC cho rằng điều này không đáng ngại vì năm 2018 sẽ là một năm tăng trưởng đặc biệt của lợi nhuận ngành ngân hàng. Trên thực tế, tỷ lệ NIM và thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng đang tăng lên.
Trong khi đó, chi phí dự phòng trích lập tăng chậm lại. Các ngân hàng còn có thể hạch toán lợi nhuận không thường xuyên đáng kể từ: bán tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu, bán các khoản đầu tư. Do vậy cho dù tăng trưởng tín dụng từ đầu năm có chậm lại so với cùng kỳ năm ngoài thì điều này cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Theo HSC, ảnh hưởng có chăng ở đây là sẽ làm cho nền so sánh của năm 2019 thấp bớt xuống trong bối cảnh lợi nhuận không thường xuyên sẽ giảm bớt. HSC hiện dự báo lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2019 sẽ tăng trưởng 19,8% nhờ ngành vẫn tăng trưởng cho dù trong điều kiện tăng trưởng tín dụng được thắt chặt lại một chút.