Mục tiêu cụ thể của PVN sau tái cơ cấu
PVN đã trình Chính phủ Đề án tái cơ cấu toàn diện giai đoạn 2017-2025 với lộ trình cụ thể như sau:
Đến năm 2020, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam duy trì hoạt động ở cả 5 lĩnh vực chính. Giữ vai trò quản lý thống nhất toàn bộ hoạt động tìm kiếm - thăm dò - khai thác. Chi phối hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) khí, điện, đạm và dịch vụ kỹ thuật dầu khí. Tham gia ở mức không chi phối/đầu tư tài chính đối với hoạt động lọc hóa dầu, kinh doanh phân phối xăng dầu, dịch vụ thiết kế, vận tải, cung cấp dung dịch khoan và duy trì mức độ liên doanh liên kết như hiện tại.
Từ năm 2021-2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục duy trì đầu tư vào 5 lĩnh vực chính nhưng nới lỏng mức độ chi phối, chỉ nắm quyền chi phối đối với hoạt động thăm dò - khai thác dầu khí và khí (>50%). Tiếp tục tăng cường vốn hóa thị trường tại lĩnh vực khai thác dầu khí, chế biến dầu khí, điện và dịch vụ dầu khí.
Nhà máy đạm Phú Mỹ, một thành viên của PVN. |
Đặc biệt sau khi tái cơ cấu, quy mô, mô hình tổ chức quản lý của Tập đoàn được tinh giảm nhưng tính chuyên môn hóa, hiệu quả và tỷ suất lợi nhuận của Tập đoàn được nâng lên. Đối với lĩnh vực dịch vụ, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tập trung thoái vốn, xã hội hóa triệt để để thu hút tối đa nguồn lực từ bên ngoài về vốn, quản trị, công nghệ, thị trường… tạo tiền đề cho các thành phần kinh tế khác phát triển, góp phần phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.
Sau khi tái cơ cấu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ chỉ tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, có thế mạnh giúp nâng cao năng suất lao động, hiệu quả SXKD, năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Thực tế, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đang đóng góp vào ngân sách Nhà nước đối với phần thặng dư thu được từ cổ phần hóa (CPH), thoái vốn rất lớn, lên tới vài chục ngàn tỷ đồng. Trong đó riêng năm 2018, số tiền PVN thu về từ CPH, thoái vốn tại các đơn vị là 18.600 tỷ đồng, thặng dư là 8.700 tỷ đồng, góp phần không nhỏ để Nhà nước có tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác…
PVN sẽ tiếp tục duy trì liên kết hữu cơ 3 lĩnh vực khai thác dầu khí; - Khí – Chế biến dầu khí, tham gia đầu tư tài chính đối với lĩnh vực điện và dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành trực tiếp cho thăm dò, khai thác dầu khí. Đặc biệt là tiêu chí về cơ cấu tài chính vững chắc, tối ưu hóa phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường, có bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Tương lai của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ là hạt nhân xây dựng và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam với sự tham gia rộng rãi của mọi thành phần kinh tế ở trong và ngoài nước. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là đơn vị nòng cốt của ngành Dầu khí Việt Nam, là Tập đoàn có tiềm lực về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh ở trong nước và quốc tế, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc.