Mùa đông đề phòng tai nạn cho trẻ khi sử dụng nước nóng
Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tiếp nhận một bé gái 31 tháng tuổi, chẩn đoán Bỏng nước sôi độ II vùng bụng, lưng, mông đùi 2 bên 20% giờ thứ 17.
BS. Huỳnh Thủy Tiên - Khoa Chấn thương và chỉnh hình của bệnh viện cho biết bé gái bị vấp vào thau nước đun sôi. Khi vào viện, bé đã được cấp cứu tại BV Đa khoa quận Thốt Nốt nhưng tình trạng sốc bỏng nặng nên bé được chuyển tuyến.
Khi vào Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, bác sĩ cho biết bé đau nhiều, ăn uống kém, bóng nước vỡ lột da từng mảng diện rộng, tiểu ít.
Bác sĩ Tiên cho biết đây là trường hợp bỏng nặng với diện tích rộng khả năng sốc do đau và mất dịch cao. Các bác sĩ đã quyết định cho bé truyền dịch tích cực, kháng sinh, giảm đau liên tục, thay băng bỏng đúng kĩ thuật.
Sau điều trị, tình trạng của bé ổn định, bé đã ăn uống được và đi tiểu, tình trạng sốc sau bỏng được cải thiện.
Trường hợp khác là bé Nguyễn Hoàng L. (2 tuổi, Hà Nội) cũng bị bỏng nặng ở cánh tay phải do nước nóng. Theo chị Hường mẹ của bé L. chị đun ấm siêu tốc để lấy nước nóng rửa ráy cho bé. Vừa bế con, bà mẹ vừa đổ nước nóng vào chậu thau. Cháu bé với tay xuống thau nước đã bị bỏng nặng ở cánh tay.
Ngay sau khi con bị bỏng, chị Hường đã ngâm tay bé vào nước mát rồi đưa vào viện để được bác sĩ hỗ trợ. Toàn cánh tay phỏng rộp, bác sĩ đã phải chọc các nốt phỏng và xịt thuốc rồi quấn bông gạc.
Không chỉ bỏng do nước sôi, mùa đông trẻ cũng có nguy cơ bị bỏng với các thiết bị đèn sưởi ấm, bếp sưởi.
Trung bình hàng năm Viện Bỏng quốc gia tiếp nhận trên 2.000 trường hợp bỏng trong đó hơn 1 nửa là trẻ em bị bỏng. Trẻ từ 2 đến 5 tuổi dễ bị bỏng do trẻ hiếu động, tò mò và do sự bất cẩn của cha mẹ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Thường – Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang, Hà Nội cho biết bỏng vẫn là tai nạn thương tích nguy hiểm của trẻ em hiện nay. Người lớn thường chủ quan với bỏng nhưng thực chất bỏng lại là tai nạn thương tích phổ biến.
Bỏng ở trẻ em nguy hiểm do da trẻ mỏng hơn người lớn, ngưỡng chịu đựng của trẻ thấp hơn người lớn. Miễn dịch của trẻ kém nên khi bị bỏng trẻ rất dễ bị nhiễm trùng.
Nguyên nhân bỏng đầu tiên ở trẻ em là bỏng do nhiệt trong đó bỏng nước sôi rất hay gặp. Nước sôi do nước tắm, nước sôi từ thực phẩm thậm chí nước sôi do pha sữa cho trẻ. BS Thường cho biết 90 % bỏng của trẻ em là do bất cẩn của người lớn.
Khi trẻ bị bỏng nước sôi cha mẹ nên bỏ nước sôi ra ngoài, làm sạch vùng bỏng. Cha mẹ cố gắng nhanh nhất làm mát vùng bỏng cho trẻ.
Cha mẹ nên nhớ làm mát chứ không làm lạnh. Không nên dùng nước đá để chườm vì có thể làm bỏng lạnh. Sử dụng nước mát, vòi nước sạch sinh hoạt để làm mát cho trẻ từ 20 – 30 phút.
Tại Khoa Bỏng, BV Nhi đồng 1 số trẻ bị bỏng tăng dần, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 ca trẻ bị bỏng, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi và bé trai.
Hơn 75 % bé bị bỏng là ở nhà, thường xảy ra vào lúc chập choạng tối do người lớn bận rộn với việc nhà, trẻ tự chơi và tò mò vào khu vực bếp tiếp xúc với tác nhân gây bỏng.
Trẻ bị bỏng mức độ nguy hiểm tuỳ thuộc vào vị trí bỏng, diện tích bỏng, chất gây bỏng. Đặc biệt là bỏng da ở vùng mắt, khớp của trẻ để lại di chứng rất lớn.
Để phòng bỏng do nhiệt từ nước sôi, bác sĩ Thường khuyến cáo cha mẹ cần chủ động phòng tránh bỏng cho trẻ. Những đồ dễ gây bỏng cho trẻ như phích nước nóng, thức ăn nóng cần để xa tầm với của trẻ.
Trong nhà cần có các thiết bị bảo vệ vùng nguy hiểm ở khu vực bếp, ổ cắm điện. Trẻ lớn hơn, cha mẹ cần nhắc nhở trẻ các vị trí nguy hiểm như nghịch nước nóng, dạy trẻ cách phân biệt bên nước nóng, nước lạnh nếu sử dụng bình nóng lạnh.
Khánh Chi