Mưa đá sẽ còn "khủng khiếp" hơn ở nước ta
Một điều không thể phủ nhận rằng trái đất đang nóng dần lên, kéo theo đó là một loạt những thiên tai, hạn hán với những diễn biến thời tiết bất thường xảy đến với con người. Sự xuất hiện của những cơn bão lớn có sức công phá khủng khiếp, những trận mưa đá lịch sử và những hiện tượng thời tiết cực đoan những năm qua ở Việt Nam cho thấy khí hậu đang có những thay đổi mà con người khó có thể nắm bắt được.
Nhìn lại diễn biến thời tiết 1 năm qua cho thấy, những thiệt hại mà thời tiết gây ra trên đất nước chúng ta khiến không ít người phải lo sợ. Khí hậu không chỉ trở lên khắc nghiệt hơn khi có những nơi nhiệt độ lên quá cao, có những nơi lại xuống quá thấp. Đặc biệt, chúng ta còn phải hứng chịu những hiện tượng thời tiết mới, những trận mưa đá kỷ lục mà điển hình là trận mưa đá tại tỉnh Lào Cai vào hai ngày 27-29/3/2013. Những viên đá to không chỉ gây thiệt hại về hoa màu mà còn làm hơn 30 người bị thương, 10.000 ngôi nhà rơi vào cảnh “trong nhà cũng như ngoài trời”.
Mưa đá là hiện tượng thường xuyên diễn ra vào thời điểm giao mùa gây thiệt hại về người, về nhà cửa và hoa màu. (Ảnh minh họa/nguồn internet) |
Bước sang năm 2014, đây là năm được nhận định là có nhiều diễn biến phức tạp về thời tiết có thể xảy ra. Chỉ tính riêng những ngày đầu tháng 4 này, người dân khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên liên tiếp phải gánh chịu những đợt gió lốc, mưa đá hoành hành. Con số thương vong do mưa đá gây ra không ngừng tăng, hàng nghìn ngôi nhà bị vỡ ngói, hàng trăm hecta hoa màu của người dân bị tàn phá.
Là một tỉnh biên giới cực Bắc của Tổ Quốc, trận mưa giông kèm theo mưa đá kéo dài sáng 4/4 vừa qua tại Hà Giang đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới nhà ở cũng như diện tích hoa màu của người dân. Gió lốc đã làm tốc mái 105 ngôi nhà và 16 điểm trường, gần 150 hecta hoa màu bị ảnh hưởng.
Không chỉ tàn phá Hà Giang, mưa đá kèm theo gió lốc còn càn quét bản Tàng Do, xã Nậm Tin, huyện Nậm Pồ, Điện Biên làm gẫy đổ nhiều cây cối và dập nát hoa màu. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình rơi vào hoàn cảnh không có nhà để ở khi mưa đá làm tốc mái hàng nghìn ngôi nhà.
Riêng tại tỉnh Cao Bằng, chỉ trong vài ngày liên tiếp đã xảy ra những trận mưa đá lớn nhất trong hàng chục năm qua làm 5 người bị thương, vỡ thủng 4.634 nóc nhà, phá nát hơn 1.000 hec ta rau màu khiến người dân nghèo lâm cảnh khốn đốn…
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, đã có hàng trăm cuộc hội thảo, các công trình nghiên cứu được mở ra nhằm tìm hướng đi an toàn cho cộng đồng người trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Trước việc Việt Nam là 1 trong 5 dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ khi nền nhiệt độ không ngừng gia tăng vào cuối thế kỷ 21. Các cơn bão gia tăng về số lượng cũng như cường độ gây thiệt hại từ 1%-3% GDP. Theo tính toán của các nhà chuyên gia, nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời, con số thiệt hại này sẽ tăng lên gấp 10 lần.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, trong thời gian tới, mưa đá sẽ xuất hiện ngày càng nhiều và gay gắt hơn.
Vị chuyên gia này nhấn mạnh, sự xung đột giữa các hình thái thời tiết, sự xáo trộn của các khối khí ẩm với khối khí khô, mặt đất được mặt trời hun nóng cũng làm tăng cường độ các cơn giông; gặp điều kiện địa hình phù hợp, tạo nên hiện tượng đối lưu phát triển lên bên trên tầng đối lưu của khí quyển sẽ sinh ra mưa đá. Vì thế, trong thời gian tới, mưa đá có thể xuất hiện, trút xuống ở bất kỳ đâu trên địa bàn toàn quốc, nhưng sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh miền núi phía bắc, đặc biệt phía tây dãy Hoàng Liên Sơn, vùng núi phía bắc, vùng núi các tỉnh Bắc Trung bộ, khu vực Tây nguyên và miền Đông Nam bộ.
Mưa đá làm hỏng mái nhà người dân (Ảnh Internet) |
Theo một nghiên cứu của cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, mưa đá là hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm và chỉ giảm dần khi mùa mưa đến, tức là khoảng hết tháng 5.
Người dân có thể nhận biết được mưa đá chuẩn bị xảy ra dựa vào một vài đặc điểm như: ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...
Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến. Do vậy, người dân cần nhanh chóng tìm chỗ ẩn nấp an toàn.
Hình thành mưa đá như thế nào?
Khi các đám mây gần mặt đất được các luồng không khí bốc lên cao thì phần trên của mây thường ở nhiệt độ dưới -20 độ C, khiến cho rất nhiều hơi nước trong mây biến thành những hạt băng nhỏ. Nhưng tầng mây ở dưới thấp hơn, do nhiều nguyên nhân không thể ngưng kết thành băng, lại biến thành các giọt nước có độ lạnh dưới 0 độ C.
Các luồng không khí không ngừng bốc lên cao sẽ đưa một khối lượng lớn các giọt nước lạnh này lên tầng trên của đám mây. Ngay sau đó, chúng đông kết với các hạt băng đang tồn tại ở tầng trên, làm cho thể tích của các hạt băng càng ngày càng lớn hơn, khi trọng lượng tăng đến mức độ nhất định nào đó chúng sẽ rơi xuống.
Khi rơi xuống tầng mây thấp, mặt ngoài của băng lại được bao bọc thêm một lớp màng nước, đồng thời lại bị các luồng nước khi mạnh, khi yếu đang không ngừng bốc lên cao tác động vào.
Càng bị các luồng khí tác động lâu thì lớp "áo nước" của băng thể càng va chạm liên tục, dẫn đến dính chặt lẫn nhau, khiến thể tích của băng thể càng lớn hơn. Đến lúc này, các luồng khí không còn có thể "tung hứng" các băng thể được nữa, đành để chúng rơi xuống mặt đất, gây ra những trận mưa đá.
Tham khảo sách “Những bí ẩn quanh ta”