Một ngày sống với dân chơi “ngáo đá”, tưởng mình là siêu nhân
H cho rằng mình bị nát rượu chứ không nghiện ma túy đá |
Trong thế giới “ngáo đá”
Trời Sài Gòn những ngày giữa tháng 4, nắng rát mặt. Không khí ở Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện Ma túy Thanh Đa (P.28, Q. Bình Thạnh) càng trở nên ngột ngạt hơn. Mỗi căn phòng tôi đi qua lại được bảo vệ khóa lại từng ổ khóa cẩn thận để giúp người nghiện không còn cơ hội trở lại với ma túy khi đến đây.
Tôi chậm rãi, cẩn thận bước đi trong thế giới của những người từng là những dân chơi “đập đá” sành sỏi. Trong lúc ngồi chờ các bác sĩ xếp gặp riêng một số bệnh nhân, tôi được bảo vệ cho ngồi cách đó chừng 10m. Họ mặc đồng phục màu hồng nhạt hoặc xanh. Nhiều thanh niên tuổi chừng 18 – 20 tuổi, chân tay vằn vện những hình xăm trổ. Thấy người lạ tới, các học viên nam nhao nhao chỉ tay về phía tôi nói: “Học viên mới hả?” rồi cười ha ha. Những cô gái thì ngồi rúm ró ở một góc ghế, ngước nhìn ra khoảng trời nắng.
Thỉnh thoảng tại phía những gian buồng khóa kín xung quanh lại phát ra những tiếng đồ đạc rơi loảng xoảng hay những tiếng la hét thất thường. Hoặc có khi là vài ba thanh niên cởi trần cùng nằm chung phòng với những biểu hiện của người nghiện như chân tay lờ đờ, gãi đầu, gãi tai…
Theo bảo vệ, những bệnh nhân bị nhốt trong những phòng kín là những trường hợp nghiện nặng đang trong giai đoạn cách ly để cai. Còn những bệnh nhân nào tỉnh táo và sức khỏe phục hồi tốt hơn được cho ra ngoài sân rèn luyện thể chất. Tất cả họ đều có tuổi đời rất trẻ, đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Và người thì nghiện heroin, người thì “đập đá”, dùng thuốc lắc, bồ đà…
Khi bác sĩ dẫn bệnh nhân tên Nguyễn Thành H tới trò chuyện với PV, nhiều nam học viên gần đó gọi với: “Ê, ê, cẩn thận nó cắn vào tay đấy” khiến tôi giật mình. Thế nhưng, khi tiếp xúc, H tỏ ra khá lành tính và thích thú khi được hỏi chuyện.
Một bệnh nhân đang được khám tại Trung tâm |
Cũng giống như những bệnh nhân bị nghiện hàng đá khác, H không lúc nào thừa nhận mình chơi ma túy rồi bị nghiện. Thay vào đó, anh chàng giải thích mình vào đây là do chứng nghiện rượu mà ra. H kể, mình từng có một gia đình hạnh phúc với một đứa con trai và có một công việc khá ổn định ở Bình Dương. Song vì tính chất công việc nên H thường xuyên phải tiếp xúc với rượu bia. Vui uống, buồn uống, rảnh uống.
Kết quả của những ngày “nát” rượu đó, H bị vợ bỏ, sức khỏe xuống cấp trầm trọng và phải cấp cứu 15 ngày tại bệnh viện ở Đồng Nai. Khỏe lên một chút, H lại lao vào men rượu để rồi bị gia đình “tống” vào Trung tâm này.
Cha mẹ khóc ròng vì con nghiện
Theo các bác sĩ, hồ sơ bệnh án của H ghi rõ cậu bị chứng rối loạn hoang tưởng do sử dụng ma túy đá. Hôm mới đến Trung tâm, H nặng chưa đến 40kg và trên cổ tay H vẫn còn hàng chục vết chỉ may y khoa, cả trên cánh tay cũng vậy. Đó là do những lần “ngáo đá”, cậu lấy dao tự rạch vào tay mình.
H cũng thường xuyên có những hành động quái gở mà người bình thường khi chứng kiến đều cảm thấy ghê sợ, xa lánh. Chẳng hạn, mỗi lần gọi điện thoại về, H nói một tràng cái thứ tiếng không ai hiểu được. Sau đó, H cũng không tài nào nhớ nổi miệng mình vừa nói gì. Hoặc có lúc, H tưởng mình là siêu nhân, muốn làm gì thì làm.
Hiện tại, chàng thanh niên này vừa được gia đình ký giấy cai nghiện thêm 6 tháng nữa để tránh khỏi sự ám ảnh về lời nói vang trong vô thức. Và sẽ còn lâu hơn nữa để H thoát khỏi những cái ngáp dài, mệt mỏi tay chân do cơn thèm đá mang lại. “Gia đình muốn cho mình ở bao nhiêu thì mình ở bấy nhiêu”, H vừa nói vừa ngáp.
Câu chuyện còn đang dang dở thì một bà mẹ nước mắt ngắn dài bước ra từ một phòng kín gần đó. Hỏi ra mới biết, cậu con trai “ngáo đá” vừa định lao ra bóp cổ mẹ mình. BS Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm cho hay, đây là chuyện mà ông chứng kiến thường xuyên khiến ông day dứt vô cùng.
“Có những ông già khóc ròng khi đến giao cho tôi đứa con nghiện. Có những đứa con đã từng gí dao vào cổ mẹ để tìm đến những đồng tiền cuối cùng đem nướng vào ma túy. Hay có những ông bố bà mẹ tuyệt vọng vì con đi cai nghiện quá nhiều lần mà vẫn tái nghiện… khiến ai cũng phải xót xa”, BS Duy chia sẻ.
Tính đến nay, Trung tâm đã có vài ngàn học viên được cai nghiện. Thời gian cai nghiện ở đây cũng không quà dài và quá khắc nghiệt. Trong đó, các bác sĩ nỗ lực tìm ra cách để những người nghiện ma túy có được sức mạnh nội lực, sức mạnh để họ vượt qua chính bản thân mình chứ không phải từ những tác động bên ngoài.
Một ngày “sống” trong thế giới ấy, chứng kiến những sinh hoạt, trạng thái của bệnh nhân ở đây, mới thấy ma túy đá gây nghiện dai dẳng, khó bỏ và có sức tàn phá ghê gớm, cần sự nỗ lực lớn của cả bác sỹ, gia đình và bệnh nhân.