Mối nguy hại từ nước thải trong ngành công nghiệp chế biến
Việt Nam hiện có hơn 1.000 công ty môi trường được thành lập cùng với nhiều loại hình công nghệ được đem áp dụng trong việc xử lý nước thải. Tuy nhiên cho đến nay, có rất ít đơn vị trong nước đáp ứng được năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tế để có thể trở thành đơn vị chuyên nghiệp trong lĩnh vực xử lý nước thải công nghiệp. Nguyên nhân là do các nhà cung ứng công nghệ trong nước hầu như chỉ mới áp dụng các công nghệ xử lý truyền thống, thiếu các nghiên cứu cải tiến công nghệ. Thêm vào đó, việc phát triển công nghệ mới dẫn đến chi phí xử lý rất cao, hơn nữa lại không tận dụng được nguồn tài nguyên và nguồn năng lượng tái tạo từ chất thải.
Ba ngành công nghiệp đang có mức độ ô nhiễm cao là thủy sản, dệt may, giấy và bột giấy. Các ngành này tiêu thụ một lượng rất lớn nguồn tài nguyên cũng như thải ra ngoài môi trường một lượng lớn các chất thải với nồng độ cao và rất khó xử lý. Ngành chế biến thủy sản, công nghệ chế biến của mỗi nhà máy là khác nhau tuỳ theo loại nguyên liệu, mặt hàng sản xuất và yêu cầu chất lượng của từng loại sản phẩm. Nước thải của quá trình sản xuất chiếm tới 85 - 90% tổng lượng nước thải và nước thải phát sinh từ các công đoạn xử lý nguyên liệu, chế biến, hoàn tất sản phẩm, vệ sinh nhà xưởng, dụng cụ và thiết bị. Kết quả khảo sát từ những trạm xử lý nước thải của các nhà máy chế biến thủy sản cho thấy, hầu hết nước thải sau xử lý không đạt QCVN 1:2008/BTNMT, cột B đối với chỉ tiêu nitơ amoni và QCVN 40:2008/BTNMT, cột B với chỉ tiêu tổng photpho.
Nước thải từ công nghiệp chế biến giấy có thể gây ô nhiễm môi trường. |
Ngành Dệt may, tùy theo quy mô của các nhà máy, tính chất của nguyên liệu thô, yêu cầu của sản phẩm, trình độ công nghệ… mà công nghệ sản xuất của các nhà máy là khác nhau. Nhìn chung, một công nghệ sản xuất khép kín bao gồm bốn công đoạn chính: Sợi, dệt, nhuộm/hoàn tất và may. Trong 4 công đoạn của ngành dệt may, công đoạn nhuộm/hoàn tất là công đoạn phát sinh nước thải với lưu lượng lớn. Hơn nữa, đặc trưng của nước thải dệt nhuộm là có nhiệt độ và độ màu cao, thành phần nước thải dệt nhuộm cũng rất khác nhau tùy theo loại hình dệt nhuộm, loại phẩm nhuộm, phụ gia, và hóa chất sử dụng. Kết quả khảo sát các trạm, nhà máy xử lý cũng cho thấy, đối với loại hình dệt may, việc sử dụng các công nghệ đơn giản như: Quá trình hóa lý một bậc kết hợp quá trình lọc, quá trình lọc sinh học kết hợp hồ sinh học có hiệu quả xử lý thấp và nước thải sau xử lý thường không đạt QCVN 13:2008/BTNMT, cột B.
Ngành công nghiệp giấy và bột giấy ở Việt Nam có 3 phương pháp sử dụng hóa chất, cơ lý và sử dụng giấy thải. Hiện có hơn 50% các nhà máy sản xuất giấy hoặc sản xuất từ bột tái chế. Đối với các nhà máy công suất nhỏ, công nghệ xử lý nước thải bao gồm các công đoạn như: Tiền xử lý (bể lắng trọng lực) thường được áp dụng để thu hồi bột giấy; quá trình xử lý được áp dụng sau đó là keo tụ/tạo bông và đem lắng nhằm tách triệt để các cặn lơ lửng hay quá trình sinh học hiếu khí với bùn hoạt tính lơ lửng. Đối với những nhà máy có công suất vừa và lớn, tất cả đều có công đoạn tiền xử lý để tách cặn lơ lửng (bột giấy) khỏi nước thải với mục đích tái sử dụng nước thải và thu hồi bột giấy. Sau quá trình hoá lý là bước xử lý bậc hai với các quá trình sinh học bao gồm: Sinh học kỵ khí kết hợp sinh học hiếu khí hay chỉ có quá trình sinh học hiếu khí (bùn hoạt tính lơ lửng hiếu khí và bùn hoạt tính với vật liệu dính bám) để loại bỏ BOD5 và COD. Để xử lý nước thải đạt QCVN 12:2008/BTNMT, cột A, một số trạm, nhà máy xử lý nước thải đã áp dụng thêm công đoạn hóa lý sau quá trình sinh học hay lọc áp lực nhằm xử lý triệt để các chất ô nhiễm.
Như vậy, việc xử lý nước thải không hiệu quả là do rất nhiều yếu tố, trong đó có những vấn đề như: Thiết kế nhà máy, trạm xử lý với công nghệ không hợp lý; vận hành thủ công hoặc bán tự động không thích hợp trong các trường hợp thành phần và lưu lượng nước thải thay đổi lớn; ý thức bảo vệ môi trường kém nên chỉ vận hành các nhà máy, trạm xử lý nước thải khi bị kiểm tra, đặc biệt là các nhà máy,trạm xử lý nước thải áp dụng công nghệ hóa lý, nhằm giảm chi phí vận hành… Để từng bước đạt được sự phát triển bền vững của công nghiệp và xã hội, mục tiêu của công nghệ môi trường được xác định theo một số tiêu chí như: Bước đầu các trạm, nhà máy xử lý nước thải phải được cải tạo để đạt được quy chuẩn xả thải với tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra; nghiên cứu và cải tiến công nghệ xử lý các thành chất dinh dưỡng trong nước thải; cải thiện chất lượng nước thải sau xử lý với mục đích tái sử dụng nước thải. Tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chính quyền chức năng nhằm để tăng số lượng cũng như chất lượng của các trạm, nhà máy xử lý. Cần nhiều hơn các chính sách môi trường của chính phủ làm sao thích ứng được với hiện trạng công nghệ môi trường của Việt Nam.
Vấn đề ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học mới hay các công nghệ môi trường tốt cần được thử nghiệm vào điều kiện thực tế của Việt Nam. Để đạt được sự bền vững trong phát triển công nghiệp thì mục tiêu của công nghệ môi trường trong những năm tới là cần phải tạo ra được sự cân bằng giữa phát sinh chất thải và tạo ra sản phẩm từ chất thải.
Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Môi trường, cả nước ta hiện có khoảng 289 khu công nghiệp được thành lập. Trong đó, có hơn 179 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và có khoảng 143 khu công nghiệp (KCN) xây dựng được nhà máy xử lý nước thải. Mặc dù số lượng các nhà máy, KCN đã xây dựng trạm hoặc nhà máy xử lý nước thải cũng đã tăng dần lên trong những năm gần đây, tuy nhiên hiện trạng ô nhiễm vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.
"Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đối khí hậu."