Mỗi năm Long An chi hơn 300 tỷ đồng trợ cấp cho người có công
Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017) năm nay, Tỉnh uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Long An đã tổ chức kỷ niệm và họp mặt truyền thống biểu dương người có công.
Về dự lễ kỷ niệm này có đại diện các Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang, thân nhân các gia đình thương binh, liệt sĩ và 120 người có công tiêu biểu đại diện cho trên 124.000 người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Phạm Văn Rạch, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An cho hay, trong những năm qua, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Long An luôn quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách và người có công với cách mạng.
Mỗi năm Long An chi hơn 300 tỷ đồng trợ cấp cho người có công với đất nước. |
Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay là dịp để Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng để bảo vệ độc lập, tự do cho Tổ quốc, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Trần Văn Cần cho biết, hiện toàn tỉnh Long An có trên 30.000 liệt sĩ, khoảng 12.000 thương, bệnh binh; 4.926 Mẹ Việt Nam Anh hùng (259 Mẹ còn sống),… Thời gian qua, tỉnh thực hiện tốt việc chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho gần 22.000 người có công với số tiền trợ cấp hàng năm trên 300 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện tốt Phong trào Toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, đồng thời vận động “Quỹ đền ơn đáp nghĩa” để xây dựng nhà tình nghĩa và hỗ trợ gia đình chính sách gặp khó khăn ổn định cuộc sống.
Nhân lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tỉnh Long An tôn vinh 120 đại biểu là người có công tiêu biểu, đại diện cho hơn 124.000 người có công với cách mạng của tỉnh. Đồng thời, biểu dương và khen thưởng những cá nhân, tập thể có nhiều thành tích tốt trong công tác đền ơn đáp nghĩa, vận động đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa, hiến đất làm đường giao thông, làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con thành đạt.
Các vị lãnh đạo tỉnh Long An bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, đồng thời biểu dương những đóng góp của các đồng chí thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, các đồng chí lão thành cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Với truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Long An tiếp tục quan tâm và thực hiện tốt hơn chính sách “Đền ơn đáp nghĩa”, nhất là quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Phát huy tinh thần trên, dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, Huyện uỷ, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Cần Đước, tỉnh Long An cũng đã tổ chức họp mặt nhằm tri ân những người có công trên địa bàn.
Huyện Cần Đước hiện có 4.039 anh hùng liệt sĩ, trên 6.000 gia đình có công với cách mạng và hằng trăm thương binh, bệnh binh; gần 500 người có công với đất nước. Ngoài ra, huyện còn có 633 Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ngoài việc thực hiện tốt các chế độ chính sách theo quy định, huyện Cần Đước còn thực hiện nhiều công việc nghĩa tình như chăm sóc gia đình thương binh, hổ trợ vốn đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em liệt sỹ, tổ chức thăm viếng gia đình có công với đất nước trong dịp lễ tết.
Thông qua Quỹ đền ơn đáp nghĩa, địa phương đã xây tặng hằng trăm căn nhà tình nghĩa giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho gia đình chính sách gặp khó khăn. Tính từ năm 1995 đến nay, huyện Cần Đước đã xây dựng được 735 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 30 căn với tổng kinh phí trên 18 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, huyện Cần Đước còn trợ cấp cho 37 con thương binh bệnh binh, diều dưỡng tập trung 58 người có công cách mạng tại Côn Đảo, cấp 2.611 thẻ Bảo hiểm Y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội và 5.234 thẻ Bảo hiểm Y tế cho đối tượng chính sách…
Đến nay, đời sống của gia đình người có công ngày càng được nâng lên ngang bằng mức sống bình quân chung của địa phương, có 100% hộ có mức sống từ trung bình khá trở lên, không còn gia đình hộ nghèo.