Mối lo học online 'hổng' kiến thức: Có lùi thời gian kết thúc năm học?
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, nếu cần thiết thì có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để học sinh có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều trường tại Hà Nội đã cho phép học sinh ngừng học trực tiếp từ ngày 28/2 cho đến khi có thông báo mới, mặc dù theo quy định của Hà Nội những trường này vẫn được phép đón học sinh đến trường.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết trường này đã ra thông báo cho toàn bộ học sinh từ khối lớp 7 đến khối 12 tại cơ sở Mỹ Đình chuyển sang học trực tuyến tại nhà từ ngày 28/2 đến hết ngày 5/3.
Theo thầy Khang, hiện phường Mỹ Đình 1 đang thuộc vùng dịch cấp độ 3 (vùng cam), do đó trường buộc phải tạm dừng dạy học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh và quy định phòng, chống dịch Covid-19. Sau ngày 5/3, trường sẽ căn cứ cấp độ dịch để quyết định hình thức học của học sinh các khối lớp.
Tương tự, Trường Tiểu học - THCS - THPT Nguyễn Siêu quyết định cho học sinh tiếp tục học trực tuyến. Phương án trên được đưa ra dựa trên kết quả khảo sát 80% cha mẹ học sinh chưa muốn con trở lại trường trong tình hình dịch bệnh như hiện nay.
Ảnh minh họa |
Trao đổi với Infonet, bà Văn Thuỳ Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho biết, tính đến ngày 26/2, trường ghi nhận khoảng 500 học sinh dương tính SARS-CoV-2, chưa kể số học sinh là F1. Khó khăn nhất là hiện hơn 50% cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường mắc Covid-19.
“Do đó, trường quyết định tiếp tục cho 100% học sinh tạm dừng tới trường từ ngày 28/2 để học online đến khi đủ an toàn sẽ mở cửa trở lại", bà Văn Thùy Dương cho hay.
Được biết quyết định này của trường Lương Thế Vinh nhận được sự đồng thuận cao từ phía phụ huynh, học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 ở Hà Nội phức tạp như hiện nay.
Có lùi thời điểm kết thúc năm học?
Không chỉ các trường mà nhiều địa phương cũng quyết định tạm dừng học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh. Thế nhưng, việc học trực tuyến kéo dài sẽ kéo theo những hệ lụy như không ít học sinh bị hổng kiến thức.
Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, năm học 2021 - 2022 là năm học nhiều khó khăn với mục tiêu đảm bảo lớp học an toàn, duy trì chất lượng. Khi học sinh trở lại, các trường tiểu học cần có hình thức để kiểm tra thực chất mức độ tiếp nhận chương trình của học sinh. Từ kết quả thực chất đó mới cân nhắc, điều chỉnh khung thời gian năm học phù hợp.
“Khi cần thiết có thể nới khung thời gian năm học rộng hơn so với quy định để học sinh, nhất là học sinh lớp 1, lớp 2 có thêm thời gian bù đắp khoảng trống về kiến thức, kỹ năng do trước đó phải thực hiện năm học bằng hình thức trực tuyến, qua truyền hình trong điều kiện dịch bệnh.
Việc linh hoạt thực hiện khung thời gian năm học có thể áp dụng trên phạm vi địa bàn nhỏ nhất là phường, xã đối với đối tượng học sinh nhỏ nhất là trẻ mầm non, tiểu học trên tinh thần ưu tiên số 1 cho chất lượng và tính toán, cân nhắc để các trường có khoảng thời gian nhất định sau khi kết thúc năm học, chuẩn bị cho năm học mới kế tiếp”.
Hoàng Thanh