Mối liên hệ giữa hoạt động chuyển giá và rửa tiền
Ảnh minh họa |
Chuyển giá là một trong các hành vi phổ biến trong đầu tư - kinh doanh quốc tế trong cơ chế thị trường. Các doanh nghiệp tìm cách chuyển giá, trốn thuế để thu lời, nên họ đã phải tìm mọi cách hợp thức hóa hành vi chuyển giá để đối phó với sự kiểm tra của cơ quan thuế, hải quan nhằm trốn thuế một cách “hợp pháp”.
Chuyển giá là hành vi cấu kết giữa các công ty độc lập ở các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư và tiếp nhận đầu tư. Từ đó đưa ra mức giá hàng hóa, dịch vụ cao hơn nhiều so với giá trị thực và cao hơn giá bình thường, nhằm tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi dụng kẽ hở của luật thuế thu nhập doanh nghiệp để giảm thuế, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, gia tăng lợi nhuận, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, thu hồi vốn đầu tư nhanh,…
Việc chuyển giá thường diễn ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và luôn khiến cho cơ quan quản lý thuế phải đau đầu. Các nhà đầu tư nước ngoài tìm mọi cách chuyển giá để nhằm giảm “lãi thực”, trốn thuế, và vì họ có các điều kiện để thực hiện hành vi chuyển giá khá thuận lợi như: có khả năng cung cấp các sản phẩm đầu vào cho các doanh nghiệp, họ có sản phẩm độc quyền về sản xuất hoặc nắm bí quyết công nghệ sản xuất…
Trước đây, một số doanh nghiệp bị quy kết có liên quan đến hoạt động chuyển giá. Cụ thể, Coca-Cola đã từng tìm cách giảm thuế để khỏi phải nộp vào ngân sách Nhà nước tại Việt Nam. Những công ty thuộc dạng này thông thường tìm cách khai khống chi phí để giảm thuế phải đóng.
Theo bà Hương Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam, trên thực tế, dư luận thường nghĩ về câu chuyện chuyển giá với một ác cảm. Nhưng bình tĩnh suy xét, hoạt động chuyển giá cũng chính là một công cụ tài chính để doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận.
“Bất cứ quốc gia nào cũng ủng hộ doanh nghiệp tối ưu hóa lợi nhuận, một nhà nước pháp quyền phải có đầy đủ các thông tư hướng dẫn cho doanh nghiệp kiểm soát. Vấn đề ở chỗ doanh nghiệp thường lợi dụng nghiệp vụ chuyển giá để trốn tránh nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đó mới là hành vi đáng chỉ trích!”, bà Hương Vũ nói.
Là một chuyên gia về thuế và tư vấn thuế, bà Hương Vũ cho biết hoạt động chuyển giá và rửa tiền có liên hệ chặt chẽ với nhau.
Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động lợi dụng chuyển giá có thể diễn ra tại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài bởi họ có quan hệ công ty mẹ - con cũng như quan hệ bao tiêu sản phẩm. Thậm chí, công ty mẹ bán nguyên vật liệu cho công ty con, công ty con lại bán sản phẩm cho công ty mẹ.
“Để thực hiện hành vi chuyển giá, các doanh nghiệp phải liên kết với các công ty liên kết hoặc công ty con, công ty có mối quan hệ bao tiêu sản phẩm… Chưa nói đến việc chuyển giá, chỉ cần đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp cần có giao dịch này? Tại sao doanh nghiệp cần dịch vụ này là đã có thể đặt ra nghi vấn,” bà Hương Vũ nói. “Để trả lời được câu hỏi này của cơ quan chức năng cũng đã là khó đối với doanh nghiệp có hoạt động không minh bạch”.
Yêu cầu tiếp theo thường được cơ quan chức năng đưa ra đối với các công ty đa quốc gia là nếu sử dụng dịch vụ của công ty mẹ, cần phải cung cấp bằng chứng của việc đã đưa dịch vụ từ nước ngoài sang Việt Nam. Từ thực tiễn hoạt động về dịch vụ thuế và tư vấn thuế, bà Hương Vũ cho biết rất nhiều doanh nghiệp không đưa ra được bằng chứng cho việc này.
Không chỉ đối với các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, theo bà Hương Vũ, hành vi chuyển giá cũng có thể xảy ra với các tập đoàn lớn tại Việt Nam với nhiều công ty con trong cùng một tập đoàn.
“Có thể tại thời điểm này cơ quan thuế mới chỉ tập trung vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lỗ triền miên. Tuy nhiên, không dễ để có thể áp đặt kết luận doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá bởi cơ quan chức năng cần phải đưa ra rất nhiều bằng chứng để chứng minh. Chẳng hạn một công ty mẹ bao tiêu sản phẩm cho một công ty con, công ty mẹ hoàn toàn có quyền định giá,” bà Hương Vũ nói.