Mỗi giờ ước tính có khoảng 800 người chết do thuốc lá
Tác hại của thuốc lá vô cùng nghiêm trọng đối với sức khoẻ của cộng đồng, thế nhưng thuốc lá vẫn không bị cấm sản xuất. Bởi, nhu cầu sử dụng thuốc lá của người dân còn rất lớn, mà còn là sản phẩm gây nghiện, dẫn tới tình trạng sản xuất bất hợp pháp và buôn lậu thuốc lá gia tăng.
Từ xa xưa, trên khắp thế giới, con người đã biết hút thuốc lá. Thuốc lá, tuy không cho người hút những khoái cảm ảo tưởng như thuốc phiện, nhưng cũng gây cho người ta những cảm giác dễ chịu. Trước khi người da trắng biết đến thuốc lá thì những bộ lạc trong những vùng hoang dã, người ta đã hút thuốc lá bằng mọi hình thức, kể cả nhai thuốc thay vì phải đốt lên.
Dần dần, thuốc lá được tiêu thụ rộng rãi trên khắp thế giới, và những nhà sản xuất đã thiết kế bao bì và trình bày những sản phẩm thuốc lá dưới những hình thức hấp dẫn người dùng: những hộp thuốc lá hai mươi điếu rất bắt mắt về mặt hình ảnh cũng như mùi hương.
Càng ngày, khoa học càng xác định một cách chắc chắn là thuốc lá có hại cho sức khoẻ, có thể gây ung thư phổi, có thể làm cho mạch máu giòn dễ vỡ và có thể gây ra nhiều chứng bệnh khác. Không chỉ người hút, mà những người phải thường hít thở không khí ô nhiễm khói thuốc lá cũng tai hại không kém.
Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam không cấm sản xuất thuốc lá, mà chỉ tuyên truyền không dùng thuốc ở mọi lứa tuổi. Không có quy định nào cấm hoàn toàn việc sản xuất và lưu thông thuốc lá vì nhiều lý do. Thuốc lá đã trở thành một sản phẩm phổ biến rộng rãi và trở thành một ngành công nghiệp trên thế giới. Do đó, việc quy định cấm hoàn toàn sẽ gây ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người hiện đang làm trong ngành này.
Nhu cầu người sử dụng
Càng hút càng ghiền, càng có thói quen không thể nào bỏ được. Theo thời gian, người hút sẽ trở nên phụ thuộc cả thể chất lẫn tinh thần vào điếu thuốc vì họ đã thực sự nghiện chất nicotine. Điều này khiến việc bỏ thuốc trở nên gian truân hơn và tăng khả năng tái nghiện sau khi đã cai thành công. Các nghiên cứu về vấn đề gây nghiện chết người của thuốc lá đã cho thấy để có thể từ bỏ hẳn việc hút thuốc, người hút phải đương đầu với những phản kháng của thể chất lẫn tinh thần trong việc cưỡng lại cảm giác thèm nicotine.
Nhu cầu người kinh doanh
Thuốc lá đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho các doanh nhân. Các bác sĩ và chuyên viên của Mỹ xác định sự độc hại của thuốc lá, và cũng khẳng định là lợi nhuận đem lại từ thuốc lá cho chính phủ không đủ bù lại chi phí về thuốc men để chữa bệnh do thuốc gây ra. Nhưng không thể không sản xuất được, vì những doanh nhân đầu tư, đứng đầu việc sản xuất thuốc lá ở Mỹ phần đông là những nhân vật quyền thế trong chính phủ, hoặc những doanh nhân quá giàu có, khó lòng mà ngăn lại được.
Nhu cầu về lợi nhuận
Người ta phải đặt thuốc lá và một vài thứ khác vào một thứ nhu cầu gọi là nhu yếu xa xỉ, để có thể tuỳ tiện tăng giá thuốc lá, đánh thuế rất cao, không chỉ mục đích bớt người tiêu dùng, mà chính phủ vẫn có lợi nhuận cao hơn trong việc thu thuế. Tuy nhiên, những người ghiền thuốc lá cũng vẫn không ngại bớt chi tiêu một vài thứ khác để có được điếu thuốc phì phèo trên miệng như một thói quen không thể nào bỏ được.
Ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp một phần đáng kể vào ngân sách các cường quốc sản xuất thuốc lá. Năm 1977, ngân sách nhà nước Nhật Bản thu được 13 tỉ đô la thuế thuốc lá. Năm 1960, mỗi phút trôi qua chính phủ Pháp thu được 1,2 triệu Francs. Năm 1984, hòn đảo Chypre thu được 11 triệu bảng Anh về thuế thuốc lá.
Do đó Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tập trung thực hiện các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá kết hợp với biện pháp kiểm soát để từng bước giảm nguồn cung cấp thuốc lá. Một trong những mục tiêu của chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá là tuyên truyền cho mọi người có nhận thức đúng về tác hại của thuốc lá, không sử dụng các sản phẩm thuốc lá. Giảm nhu cầu sẽ làm giảm cung cấp các sản phẩm thuốc lá. Khi nhu cầu sử dụng thuốc lá không còn nữa, các cơ sở sản xuất thuốc lá đương nhiên sẽ bị thu hẹp và tự đóng cửa