Mô hình dưa lưới tại xã miền núi Hà Tĩnh mang lại hiệu quả kinh tế cao
Anh Phạm Văn Quỳnh bên vườn dưa gần đến ngày thu hoạch của mình |
Anh Phạm Văn Quỳnh sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, chủ yếu làm nông nghiệp nhưng ruộng vườn ít, năng suất thấp, vì vậy anh phải lăn lộn vào Nam làm thuê, cuốc mướn kiếm thêm thu nhập.
Tuy nhiên, sau một thời gian lăn lộn, không cam chịu cảnh làm thuê, anh đã ấp ủ phải làm sao để phát triển kinh tế ngay trên chính mảnh đất của mình.
Từ những ấp ủ đó, anh đã trở về quê, bàn với vợ vay vốn, cải tạo lại vườn nhà, đầu tư trồng dưa lưới công nghệ cao. Ban đầu, vợ anh còn can ngăn, nhưng với quyết tâm của anh, cuối cùng chị cũng đồng ý.
Anh Quỳnh cho biết trước khi về quê lập nghiệp, anh đã nghiên cứu tìm hiểu các mô hình phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Qua quá trình tham khảo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng và được sự trợ giúp của mọi người, anh thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ Israel đang phát triển mạnh, hiệu quả kinh tế cao nên đã quyết định lựa chọn mô hình này.
Mô hình trồng dưa lưới của gia đình anh được xây dựng trên diện tích khoảng 900m2, với tổng kinh phí đầu tư 400 triệu đồng. Vụ đầu anh trồng thử nghiệm 900 cây. Nhờ chăm sóc đúng quy trình, theo dõi chặt chẽ chế độ dinh dưỡng nên vườn dưa của anh phát triển rất tốt, chất lượng cao.
Sau 3 tháng, vườn dưa đã cho thu hoạch. Tổng chi phí vụ đầu anh bỏ ra 120 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí, anh thu về trên 60 triệu đồng.
Mô hình dưa lưới công nghệ cao đưa lại hiệu quả kinh tế cao tại vùng quê nghèo xã miền núi Nam Hương |
Anh Quỳnh vui mừng cho biết: “Có thể khẳng định mô hình dưa lưới công nghệ cao đến thời điểm hiện tại rất phù hợp với thời tiết, khí hậu ở xã miền núi Nam Hương nếu được chăm sóc bài bản, đúng quy trình."
Mô hình trồng dưa lưới nếu được nhân rộng sẽ mở ra một hướng đi mới cho việc chuyển đổi cây trồng ở địa phương cũng như phát triển kinh tế của xã nghèo Nam Hương. Trong thời gian tới, anh sẽ tăng diện tích cũng như số lượng gốc từ 900 đến 2400 gốc.
Tuy nhiên, để trồng được cây dưa cho ra sản phẩm tốt, việc chăm sóc, quản lý cũng hết sức khắt khe, đòi hỏi người chăm sóc phải tỉ mỉ, biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất mới có thể thành công.
Để cho ra một sản phẩm dưa sạch, ban đầu cần phải che chắn nắng mưa, ngăn côn trùng xâm nhập, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho người trồng và người tiêu dùng.
Ngoài ra, việc sử dụng phương thức tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel còn cho chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới, anh Quỳnh cho biết.
Để tạo được một mô hình có tiềm năng về kinh tế cao là cả một quá trình thử thách và ý chí của người dân, tuy nhiên, anh vẫn còn nhiều băn khoăn. Việc tiếp cận với vốn vay hiện nay rất được các cấp quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu là bán cho các thương lái nhỏ, chưa có chính sách bao tiêu sản phẩm.
Quy trình chăm sóc mô hình dưa lưới công nghệ cao trong nhà màng rất bài bản và khắt khe |
Vì vậy, nếu nhân rộng mô hình này thì thị trường bán ra sẽ giảm, sản lượng kinh tế thấp, người nông dân phải chịu nhiều thiệt thòi.
Do đó, anh rất hy vọng với những sản phẩm đạt chất lượng, sạch, an toàn như mô hình dưa lưới công nghệ cao, có năng suất kinh tế này, các cấp chính quyền địa phương cần có các chính sách, hướng đi bao tiêu sản phẩm để mô hình ngày được nhân rộng trên địa bàn xã Nam Hương nói riêng và các vùng nông thôn ở Hà Tĩnh nói chung.
Mô hình dưa lưới trong nhà màng của anh Phạm Văn Quỳnh đã trở thành địa chỉ cho rất nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.