Miệt mài cải tạo đồi hoang, cựu binh thu nhập gần tỉ mỗi năm
Nhận thấy việc phát triển kinh tế trang trại là cách làm giàu phù hợp nhất tại vùng Trà Sơn của quê hương, ông Đường Công Ngụ đã biến khu đồi hoang thành trang trại trù phú, hàng năm thu nhập trên 700 triệu đồng.
Ông Ngụ sinh ra tại xã Thường Nga, một vùng quê miền bán sơn địa thuộc huyện Can Lộc (Hà Tĩnh), thu nhập chủ yếu từ mấy sào ruộng khoán, người dân nơi đây quanh năm đói nghèo.
Năm 1975, vừa tròn 18 tuổi, chàng trai trẻ Đường Công Ngụ bắt đầu con đường binh nghiệp. 10 năm chinh chiến, khi thì bảo vệ biên giới phía Bắc, lúc lại tham gia tiễu phỉ giúp đất nước bạn Lào, ông Ngụ trở về địa phương với thương tật 3/4, tham gia các công tác của UBND xã. Trước khi nghỉ hưu theo chế độ, ông là Phó Chủ tịch UBND xã Thường Nga.
Những năm tháng trong quân ngũ đã rèn luyện cho ông Ngụ đức tính cần cù, chịu khó, khao khát vượt lên đói nghèo. Không khuất phục trước những thử thách, sau khi nghỉ hưu, ông Ngụ trằn trọc, suy nghĩ xem nên làm gì để có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình? Cuối cùng ông chọn mô hình trang trại.
Ông Đường Công Ngụ bên gốc bưởi Phúc Trạch 15 năm tuổi của mình. |
Tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng, gia đình ông Ngụ thuê gần 15.000m2 tại vùng Cụp Trùa, cách trung tâm xã 3km. Đây là một vùng đồi hoang cỏ dại, đất đá lẫn lộn, cây sim, cây mua mọc um tùm.
Ông Đường Công Ngụ chia sẻ với phóng viên về những ngày khởi đầu đầy thử thách: “Bước đầu khi mới vào đây khai hoang làm trang trại, nếu không có nghị lực thì chắc tôi cũng đã bỏ cuộc rồi. Lúc đó đường sá đi lại khó khăn, đất đai hoang hóa, không có điện, mọi sinh hoạt rất khó khăn, thiếu thốn. Tất cả đều phải làm thủ công, tôi phải thuê người hỗ trợ, phát bụi chặt cây, đào gốc nhặt đá, cải tạo đất. Rất may là tôi nhận được sự ủng hộ từ người thân và bạn bè nên mới kiên trì đến như vậy. Tôi cũng nghĩ, những năm tháng đi lính, vất vả là thế mà mình còn chiến đấu được, thì chừng này khó khăn có thấm vào đâu”.
“Đầu tiên tôi chọn trồng các giống cây ngắn ngày như đậu, ngô, khoai, sắn để duy trì cuộc sống. Xung quanh đồi thì trồng keo tràm để nuôi 04 con ăn học và mở rộng trang trại. Từ 2005, tôi bắt đầu thuê máy phay múc, san lấp để làm mặt bằng, phá toàn bộ keo, tràm, chuyển sang trồng cây ăn quả”, ông Ngụ kể.
Đàn gà thịt 5.500 con là nguồn thu chủ lực của trang trại. |
Cũng theo ông Ngụ, chủ trương của huyện là phát triển cây ăn quả đối với 7 xã thuộc vùng Trà Sơn nên ban đầu gia đình ông trồng 20 cây cam chanh, 30 gốc bưởi Phúc Trạch; sau đó mở rộng trồng thêm cam, bưởi, ổi, thanh long, táo và một số cây lấy gỗ.
Sau những tháng năm lăn lộn với trang trại, kết quả mang lại cho gia đình thương binh Đường Công Ngụ hơn cả mong đợi. Hiện trang trại của gia đình ông Ngụ có 300 trụ thanh long với 1.200 gốc, được trồng 2019 sang năm sẽ cho quả; 600 cây ổi Đài Loan đã cho thu hoạch và trồng thêm khoảng 700 cây; 350 cây cam; 200 cây bưởi Phúc Trạch; 60 cây bưởi da xanh; 250 cây mít Thái Lan ruột đỏ... Ngoài ra còn có một số cây lấy gỗ như lát hoa, dổi, sưa, sao đen, bàng Đài Loan, chay, xoài.
Từ năm 2017, ngoài trồng cây ăn quả, ông Ngụ kết hợp mở rộng mô hình chăn nuôi gia cầm. Hiện tại, trang trại của gia đình ông có hơn 5.000 con gà thịt (thường xuyên có 3 lứa gà nối tiếp nhau), 100 con gà siêu đẻ Ai Cập, 250 con vịt đẻ, 200 con ngan, 250 đôi bồ câu. Bên cạnh đó, ông còn đầu tư 5 ao cá, diện tích khoảng 2.000m2.
Chuồng bồ câu 250 đôi cũng đưa lại thu nhập khá. |
Từ tháng 6/2019, trang trại chuyển đổi mô hình, đổi tên thành “HTX Đường Gia Trang” với sự góp vốn của các thành viên, do ông Đường Công Ngụ làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc.
Để mở rộng mô hình và phát triển kinh tế, HTX Đường Gia Trang mới mua thêm 1,4ha để trồng cây ăn quả, trồng cỏ chăn nuôi bò. Hiện tại, bình quân mỗi năm HTX thu nhập khoảng trên 700 triệu đồng. Một vài năm tới, các loại cây ổi, táo, cam, bưởi Phúc Trạch, da xanh, thanh long... cho thu hoạch đồng loạt, sẽ nâng thu nhập lên gần 1 tỷ đồng mỗi năm.
Ông Ngụ cho biết thêm, do trang trại có vị trí tiếp giáp với hồ Khe Lang nên từ khi quy hoạch, xây dựng quy mô, hàng ngày có rất nhiều đoàn đến tham quan mô hình. Vì vậy, thời gian tới, HTX Đường Gia Trang sẽ xây dựng trang trại phát triển theo mô hình du lịch trải nghiệm để đón khách tham quan, trải nghiệm và tiêu thụ sản phẩm.
Trao đổi với PV, ông Đường Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thường Nga (huyện Can Lộc) cho biết, đây là mô hình kinh tế tổng hợp lớn của xã, mỹ quan đẹp, quy mô lớn, giải quyết việc làm cho một số nhân công tại địa phương, được nhiều đơn vị đến đến tham quan học tập.
Trần Hoàn