Miền Trung: Đã có người chết do siêu bão Haiyan
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 tại cuộc họp, đến thời điểm 21h tối 9/11 đã có 3 người chết (2 ở Quảng Nam, 1 ở Quảng Ngãi) do chèn chống nhà cửa bị tai nạn. Tuy nhiên báo cáo lúc 6h sáng 10/11 của Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên lại ghi nhận mới có 2 trường hợp chết người ở Quảng Nam và Quảng Ngãi trong lúc phòng, chống siêu bão Haiyan.
Đó là ông Nguyễn Hoa (57 tuổi trú khối phố Đông Yên, phường Hoà Thuận, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) bị ngã chết lúc 13h chiều 9/11 khi đang chặt cây và ông Phùng Thanh Liêm (50 tuổi, ở xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) cũng bị ngã chết lúc 15h chiều 9/11 trong lúc chặt cây phòng, chống bão.
Tại cuộc họp lúc 21h tối 9/11, Ban chỉ đạo tiền phương ứng phó siêu bão Haiyan cho hay, đến 19h cùng ngày, đã có 132.860 hộ với 494.213 người trong khu vực nguy hiểm được sơ tán đến nơi an toàn, tăng 43.711 hộ/131.762 người so với thời điểm lúc 15h. Còn khoảng 50.000 hộ/150.000 người chưa đi khỏi nơi nguy hiểm, các địa phương tiếp tục rà soát để di dời.
![]() |
Trong khi nỗ lực phòng chống siêu bão Haiyan, tại miền Trung đã xảy ra một số trường hợp chết người (Ảnh: HC) |
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, các ngành liên quan đã tiếp tục thực hiện công việc đang triển khai và đạt được những yêu cầu đặt ra, đặc biệt là việc sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm đến những nơi trú tránh an toàn.
Đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục thực hiện các công việc đang triển khai: di dời dân quyết liệt hơn, sơ tán kịp thời hơn, thúc giục bằng nhiều giải pháp để người dân rời nơi nguy hiểm. Bên cạnh đó, phải tuyệt đối đảm bảo lương thực, không để dân thiếu đói; bảo vệ an ninh trật tự, tài sản của những hộ dân di dời.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tất cả các địa phương, các cấp ngành liên quan tiếp tục nắm chắc tình hình diễn biến của siêu bão Haiyan để kịp thời xử lý mọi tình huống, tuyệt đối không được chủ quan dẫn đến thiệt hại về người và của.
Tối 9/11, ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên có mưa vừa, phổ biến từ 20-30mm. Lũ trên các sông biến đổi chậm. Các sông từ Thừa Thiên Huế trở ra ở mức báo động 2,3. Đêm qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 14, ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có gió giật mạnh cấp 9, Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) cấp 8; TP Đà Nẵng, TP Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi) có gió giật mạnh cấp 6, ở quần đảo Hoàng Sa đã có gió giật mạnh cấp 9, ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa), có gió giật mạnh cấp 10, cấp 11.
Hồi 5h sáng 10/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 160 Bắc - 110,80 Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi – Quảng Trị 250km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 - 166 km/h), giật cấp 15 - 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30km.
Đến 4h ngày 11/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,20 Bắc - 105,60 Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12.