Lưu ý quan trọng trong ăn uống ngày Tết nếu không muốn đi viện
Việc đồ ăn từ bữa này lưu cữu sang bữa khác thường diễn ra trong những ngày Tết. Nếu không được xử lý đúng cách, những loại đồ ăn này có thể gây hại đến hệ tiêu hóa.
Việc đồ ăn từ bữa này lưu cữu sang bữa khác cũng thường diễn ra trong những ngày Tết. Nếu không được xử lý đúng cách, những loại đồ ăn này có thể gây hại đến hệ tiêu hóa. |
Làm sao để có những bữa ăn ngon, không thừa chất, tránh béo phì mà vẫn đảm bảo an toàn trong những ngày Tết khiến nhiều bà nội trợ đau đầu.
Năm nào cũng vậy, mỗi dịp Tết đến chị Hoa (Tây Sơn, Đống Đa, HN) lại lên danh sách mấy tờ A4 các danh mục cần mua sắm.
Dù các con đã có gia đình riêng, bố mẹ chồng chị Hoa vẫn giữ thói quen về quê ăn Tết. Chị Hoa là con dâu trưởng được phân công lo toàn bộ thực phẩm cho đại gia đình lớn với 4 gia đình nhỏ, cộng với 2 ông bà tổng số 18 người trong suốt mấy ngày Tết.
“Ông thì huyết áp cao, bọn trẻ con có đứa lại béo phì, có đứa lại gầy như que củi. Thành ra ngoài những món ăn truyền thống từ thịt lợn, bò, gà, tôm, cua, nem… thì luôn luôn phải có thêm món cá và những món “độn” kiểu xa lat, rau, măng, miến … Trung bình ngày nào cũng 9 mâm/3 bữa. Chưa kể hôm nào có khách thì có khi số lượng cỗ còn nhiều hơn. Mà Tết thì phải có món này món kia, nhưng có những món cứ bày ra lại cất vào. Ăn đi ăn lại, cũng sợ không an toàn nhưng bỏ đi thì lãng phí. Đau đầu ghê gớm”, chị Hoa than phiền.
Chia sẻ với phóng viên, TS.BS Trương Hồng Sơn Viện trưởng Viện Y học ứng dụng cho biết, một thực đơn an toàn dịp tết là cần duy trì ăn uống đa dạng thực phẩm, bảo đảm đủ bốn nhóm thực phẩm (chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
Ngoài ra, cũng nên duy trì ăn đủ 3 bữa, trong đó bữa sáng vô cùng quan trọng. Theo đó, nên ăn sáng thật no và đầy đủ dinh dưỡng sau đó mới nên đi chúc Tết. Mọi người cũng nên ăn đủ ngày ba bữa, nên ăn ít chất bột đường, ít chất béo, nên ăn nhiều thịt nạc, rau, củ, quả, tránh ăn nhiều bánh kẹo dẫn đến chán ăn bữa chính. Nên hạn chế ăn quá nhiều trong một bữa vì cơ thể chưa kịp tiêu hóa lại ăn tiếp bữa khác sẽ làm tăng cân nhanh.
Trái cây các loại là loại thực phẩm được khuyến cáo nên dùng nhiều nhất trong những ngày Tết, vì đây là nguồn cung cấp vitamin quan trọng, là nguồn cung cấp nước, chất xơ làm cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều năng lượng, nhiều đạm, nhiều béo trong những ngày xuân. Đương nhiên, để tốt nhất cho sức khỏe, chỉ nên ăn những loại trái cây còn tươi, sạch sẽ không dập nát, không có những vết thâm hay úng bên trong thịt quả cho dù vỏ bên ngoài tươi đẹp.
“Những loại trái cây như cam, quýt, bưởi rất tốt cho những ngày này vì nhiều nước, nhiều chất xơ, giàu vitamin C, có lớp vỏ tự nhiên có thể bảo quản lâu và thuận tiện khi mang theo trong những chuyến đi ngắn ngày dịp Tết.
Tuy nhiên với những người mắc các bệnh mãn tính, có nguy cơ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gout… đặc biệt là người béo phì thì chế độ ăn phải tuân thủ theo bác sĩ điều trị”, TS. BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
Theo ông, lựa chọn thực phẩm thông minh, kết hợp thực phẩm an toàn sẽ giúp tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết nguyên đán. Tuy nhiên, nhiều thói quen sai lầm của người Việt nhân dịp Tết dẫn tới tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra.
Sai lầm đầu tiên có thể gặp phải là việc nhiều người vẫn có thói quen tích trữ thực phẩm trong tủ lạnh rồi dùng dần. Điều này dẫn tới nguy cơ thực phẩm tươi sống có thể bị nhiễm khuẩn trong khi bảo quản.
“Việc đồ ăn từ bữa này lưu cữu sang bữa khác cũng thường diễn ra trong những ngày Tết. Nếu không được xử lý đúng cách, những loại đồ ăn này có thể gây hại đến hệ tiêu hóa.
Theo đó, thời gian bảo quản thực phẩm hữu hiệu và an toàn nhất là từ 3 – 5 ngày. Mặt khác, tủ lạnh chỉ có khả năng kiềm hãm hoạt động của vi khuẩn trong một thời gian nhất định ngắn hạn, chứ không thể tiêu diệt chúng hoàn toàn”, BS Sơn cho hay.
Vì thế, với thực phẩm chế biến, không để thức ăn quá 2 giờ ở ngoài nhiệt độ thông thường. Sau khi lấy thực phẩm từ tủ lạnh ra phải đun sôi kỹ lại mới dùng, vì tủ lạnh chỉ giúp ngăn chặn quá trình biến chất của thực phẩm chứ không phải là giữ được hoàn toàn như món mới nấu.
TS Trương Hồng Sơn khuyến cáo, nếu xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm nhẹ (chỉ nôn ói, tiêu chảy…) có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước bằng dung dịch điện giải (oresol), cho uống than hoạt tính từ 5-10g (nếu có) để hấp thụ chất độc.
Ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc nhưng không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi, nếu dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay xảy ra hội chứng lồng ruột hay liệt ruột rất nguy hiểm. Nếu tình trạng bệnh nặng, phải chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.
H. Anh