Luật sư bị cưỡng chế đưa ra ngoài phiên tòa, lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Kạn nói đang họp lại để đánh giá vụ việc
Chiều 4/8, trao đổi với PV, lãnh đạo TAND tỉnh Bắc Kạn cho biết đã nắm được vụ việc một luật sư bào chữa bị thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa buộc rời khỏi phiên xét xử công khai ngày 23, 24/7.
Vị này thông tin thêm: “Chúng tôi đang cho họp lại và đánh giá về vụ việc này xem như thế nào”.
Luật sư Trần Quốc Toản bị buộc phải rời khỏi phiên tòa. |
Vụ việc xảy ra vào ngày 23/7/2020 khi luật sư Trần Quốc Toản và luật sư Đặng Xuân Cường (thuộc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội) thực hiện việc bào chữa cho hai bị cáo Nguyễn Song Lý, Trần Thị Minh Hằng trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Khi luật sư Trần Quốc Toản đang thực hiện phần hỏi đáp với thân chủ thì phiên tòa tạm dừng. Ngay sau khi phiên tòa tiếp tục, Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Chu Đức Quế không mời luật sư Toản tiếp tục phần hỏi của mình mà bất ngờ mời luật sư khác tiến hành phần hỏi.
Không đồng tình với quan điểm của vị Chủ tọa, luật sư Toản cho rằng mình đang thực hiện đúng quyền của người bào chữa theo quy định của pháp luật nên đề nghị Chủ tọa điều khiển phiên tòa đúng pháp luật.
Sau đó, Thẩm phán Chu Đức Quế đã tiến hành một loạt biện pháp để yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp thực hiện việc cưỡng chế luật sư Toản ra khỏi phòng xử.
Trong ngày 4/8, PV nhiều lần liên hệ tới số máy của Thẩm phán Chu Đức Quế để hỏi quan điểm của Thẩm phán Quế về vụ việc, tuy nhiên, số điện thoại của vị này liên tục báo máy bận.
Trước đó, ngày 28/7/2020, Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (Công ty Luật Trương Anh Tú) đã có Công văn số 33/2020/CV-TAT gửi Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đề nghị bảo vệ quyền lợi luật sư thành viên bị xâm phạm tại phiên tòa.
Công văn 33 nêu: Công ty Luật Trương Anh Tú thấy rằng việc Thẩm phán Chu Đức Quế - Chủ tọa phiên tòa hai lần buộc luật sư Toản ra khỏi phòng xử vào các ngày 23, 24/7/2020 khi không phân biệt rõ ý kiến phản đối khác với hành vi gây rối trật tự phiên tòa là có dấu hiệu của việc lạm quyền khi thực thi công vụ.
Sau khi nhận được Công văn, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đã xem xét, nhận định đây là sự việc nghiêm trọng nên đã gửi Công văn số 297/CV-BCNĐLS (ký ngày 31/7/2020) tới Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng VKSND tối cao và các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Bắc Kạn đề nghị xác minh, kiểm tra, giải quyết và xử lý theo quy định của pháp luật.
Nói về sự việc mà luật sư Trần Quốc Toản phản ánh, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng: Theo Khoản 4, Điều 31, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”. Quyền bào chữa của bị tạm giữ, bị can, bị cáo là một quyền hiến định được tất cả các bản Hiến pháp của nước ta ghi nhận và được cụ thể hóa trong Bộ luât Tố tụng Hình sự.
Như vậy, việc thẩm phán chủ tọa phiên tòa thực hiện hành vi kể trên không những đã xâm phạm tới quyền của người bào chữa mà còn xâm phạm tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bị cáo.
Ngoài ra, luật sư Hoàng Tùng còn cho rằng, là người cầm cân nảy mực, cán bộ Tòa án phải thủ pháp và thực thi pháp luật minh bạch, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Ông Tùng đề nghị TAND tối cao xem xét, xử lý nghiêm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư Trần Quốc Toản.
Sông Yên