'Lon nước nở hoa' - góp phần giữ gìn cho thế hệ tương lai một Trái đất Xanh-Sạch-Đẹp
Ngày 5/6, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị tổ chức phát động Cuộc thi “Lon nước nở hoa”.
Hoạt động nhằm hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (05/6/2022), đồng thời lan toả ý nghĩa của việc sử dụng nước tinh khiết trong lon nhôm thay thế cho chai nhựa, qua đó giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, nhất là giới trẻ với các vấn đề xã hội nói chung và bảo vệ môi trường nói riêng, hưởng ứng “Phong trào chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động, góp phần giữ gìn cho thế hệ tương lai một Trái đất Xanh-Sạch-Đẹp.
Việc sử dụng lon nhôm với khả năng tái chế cao đóng góp rất lớn trong việc bảo vệ môi trường bởi trên thực tế, lon nhôm là loại bao bì được tái chế nhiều nhất trên thế giới với tỷ lệ tái chế toàn cầu là 69%.
Ban tổ chức phát động cuộc thi "Lon nước nở hoa" |
Tại Việt Nam, tỷ lệ tái chế lon nhôm là 77%, minh chứng rằng hầu hết mọi đồ uống đóng lon nhôm đã qua sử dụng đều có thể được thu gom, tái chế và được tái chế không giới hạn.
Cũng theo nghiên cứu của Hiệp hội nhôm thế giới (The Aluminum Association), 75% lượng nhôm từng được sản xuất từ năm 1888 vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.
Civie Water là thành viên của Liên minh các Doanh nghiệp Chống rác thải Nhựa do Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập, Civie Water mang đến một giải pháp thay thế chai nhựa rất thiết thực và bền vững, đó là nước tinh khiết đóng lon nhôm. Sáng kiến này khẳng định chiến lược và sứ mệnh của Civie Water trong việc nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng để giảm thiểu chất thải nhựa, tối đa hóa việc tiết kiệm tài nguyên bằng cách tái chế và tái sử dụng vật liệu nhôm.
Theo Ban tổ chức, mọi cá nhân, nhóm đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam không giới hạn độ tuổi, có ý tưởng sáng tạo hướng tới những hoạt động bảo vệ môi trường (bao gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam) đều có thể tham gia cuộc thi.
Người tham gia sẽ sử dụng vỏ lon “Nước Tinh Khiết Civie” để trồng, cắm các loại hoa, cây cảnh hoặc các loại thực vật khác và gửi ảnh chụp, video với đối tượng chính là các loại hoa, cây cảnh hoặc các loại thực vật khác được trồng trong vỏ lon “Nước Tinh Khiết Civie”. Ban tổ chức khuyến khích các bài thi chia sẻ về thông điệp muốn gửi gắm qua tác phẩm, có thể bằng văn bản, đoạn ghi âm hoặc video kết hợp âm nhạc…
Tiêu chí đánh giá tác phẩm dự thi đó là những tấm ảnh, video có những góc chụp/quay hình đẹp, độc đáo, mang tính nghệ thuật cao; có ý tưởng tốt về bố cục sắp xếp, có không gian phù hợp; hoa được cắm hài hòa với màu sắc và bài trí của lon nước. Bài thi thể hiện được sức sống, vẻ đẹp, sự tinh tế của hoa hoặc loài (các loài) thực vật được trồng bằng cách sắp xếp cành cây, ngọn hoa, nhành lá thành một tổng thể bày tỏ cảm xúc, truyền tải vẻ đẹp thiên nhiên bất tận của tác giả.
Cách thức tổ chức Cuộc thi “Lon nước nở hoa” được tiến hành theo tuần và sẽ được đăng tải công khai trên website civiewater.vn nhằm phục vụ công tác bình chọn trực tiếp của người truy cập.
Các bài thi sẽ được Ban tổ chức đánh giá, chọn lựa sau đó công bố công khai các bài thi đạt giải trên hệ thống website/fanpage chính thức của cuộc thi.
Người dự thi chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chân thực của mọi thành phần hình thành nên bài dự thi. Ảnh, video không vi phạm, tranh chấp bản quyền; không vi phạm các quy định của Nhà nước và pháp luật; không trái ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Ảnh, video phải được chụp, ghi hình trong thời gian tổ chức thi.
Thời gian Ban tổ chức bắt đầu tiếp nhận bài dự thi từ 00h00 ngày 18/7/2022. Cuộc thi sẽ diễn ra trong 52 tuần liên tiếp đến tháng 7/2023. Tổng số giá trị giải thưởng gần 400 triệu đồng.
Ông Vũ Minh Lý - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT, nhấn mạnh: “Bộ TN&MT đánh giá cao giải pháp nước tinh khiết đóng lon nhôm của Civie Water thay thế cho chai nhựa. Một sản phẩm thiết thực và bền vững. Sáng kiến này giúp nâng cao nhận thức và truyền cảm hứng cho cộng đồng để giảm thiểu chất thải nhựa, tối đa hóa việc tiết kiệm tài nguyên bằng cách tái chế và tái sử dụng vật liệu nhôm”.
N. Huyền