Hà Tĩnh: Trồng lúa hữu cơ DT39 vừa cho năng suất cao vừa bảo vệ môi trường
Huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vừa thí điểm mô hình sản xuất lúa hữu cơ DT39. Qua đánh giá, giống lúa này có nhiều ưu điểm vượt trội như chống đổ, chịu rét tốt, hạn chế được nhiều loại sâu bệnh; chất lượng gạo thơm, ngon, mềm dẻo.
Đại diện Hội nông dân tỉnh, UBND huyện Vũ Quang, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm sản xuất lúa DT39 theo phương pháp hữu cơ tại xã Hương Minh. |
Thực hiện chương trình Hợp tác đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong vụ Xuân 2022, UBND huyện Vũ Quang đã phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm thực hiện mô hình thử nghiệm sản xuất lúa hữu cơ nhằm mục tiêu từng bước đưa quy trình hữu cơ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện.
Mô hình thí điểm sản xuất lúa hữu cơ giống DT39 được triển khai trên diện tích 1.000m2 tại hộ ông Nguyễn Đình Lý (thôn Hợp Lợi, xã Hương Minh). Với mô hình này, người dân được Tập đoàn Quế Lâm cung cấp giống, phân bón và hỗ trợ kỹ thuật theo đúng quy trình sản xuất lúa gạo hữu cơ.
Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, giống lúa DT39 sản xuất theo phương pháp hữu cơ có nhiều ưu điểm vượt trội, hoàn toàn có thể nhân rộng trên địa bàn. Thời gian sản xuất giống lúa hữu cơ DT39 ngắn hơn so với các giống đối chứng 5 ngày; thân cứng nên chống đổ tốt, chịu rét tốt, chống chịu với nhiều loại sâu bệnh; chất lượng gạo thơm, ngon, mềm dẻo.
Khác với phương thức sản xuất thông thường là sử dụng phân chuồng và phân vô cơ (đạm, lân, kali) để bón, dùng thuốc hóa học bảo vệ thực vật (BVTV) để trừ cỏ và phòng trừ sâu bệnh hại, thì mô hình thử nghiệm này sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ trong suốt quá trình sinh trưởng nên đảm bảo cân đối các yếu tố dinh dưỡng.
Phân bón ruộng sản xuất hữu cơ (tính cho 1 sào với diện tích 500m2) được chia làm 2 giai đoạn. Ban đầu là bón lót sau khi bừa lần cuối để gieo sạ, gồm vôi bột tự nhiên (25kg); phân hữu cơ vi sinh (25kg); phân hữu cơ khoáng chuyên lúa (10kg).
Giống lúa DT39 có nhiều ưu điểm vượt trội như chống đổ, chịu rét tốt, hạn chế được nhiều loại sâu bệnh; chất lượng gạo thơm, ngon, mềm dẻo. |
Giai đoạn bón thúc gồm 3 lần. Lần 1 sau khi gieo sạ 12 ngày, bón phân thúc bén rễ hồi xanh. Bón phân xong tiến hành làm cỏ sục bùn.
Lần 2 sau gieo sạ 21 ngày để thúc đẻ nhánh. Bón phân xong tiến hành làm cỏ và dặm lúa tỉa lúa. Lần 3 sau gieo sạ 45 ngày để thúc đòng.
Căn cứ các yếu tố cấu thành năng suất thì trọng lượng 1.000 hạt giữa DT39 và các giống đối chứng là như nhau. Số bông/m2 của ruộng sản xuất hữu cơ giống DT39 thấp hơn nhưng số hạt chắc/bông của ruộng sản xuất hữu cơ giống DT39 cao hơn so với ruộng đối chứng sản xuất truyền thống và có độ đồng đều hơn. Do đó, năng suất lý thuyết ruộng sản xuất hữu cơ giống DT39 đạt 62,14 tạ/ha, còn ruộng đối chứng giống Việt Hương chiêm năng suất đạt 60,75 tạ/ha, giống VNR20 năng suất đạt 60,75 tạ/ha.
Trong quá trình sản xuất, ruộng sản xuất hữu cơ không sử dụng thuốc BVTV hóa học mà chỉ 2 lần sử dụng thuốc thảo mộc do Tập đoàn Quế Lâm cung cấp để phòng trừ rầy rệp, và sử dụng thuốc sinh học Kamsu 2SL để hạn chế bệnh lem lép hạt, đạo ôn, đốm nâu. Còn ruộng đối chứng thì có sử dụng các loại thuốc hóa học BVTV để phòng trừ rầy rệp và phòng trừ đạo ôn.
Kết quả cho thấy, các ruộng đều nhiễm sâu cuốn lá như nhau. Ruộng sản xuất hữu cơ bị nhiễm rầy rệp, chuột cao hơn đối chứng, còn ruộng đối chứng bị nhiễm đạo ôn và khô vằn cao hơn so với ruộng sản xuất hữu cơ. Điều này cho thấy việc sử dụng thuốc thảo mộc, thuốc sinh học nhằm khống chế và hạn chế sâu bệnh hại, tạo hệ sinh thái đồng ruộng được bền vững, chứ không mang tính trừ diệt giống như sử dụng thuốc hóa học BVTV. Do đó, hạn chế ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Ruộng sản xuất hữu cơ giống DT39 đạt năng suất 62,14 tạ/ha. |
Theo hạch toán kinh tế đầu vào cho thấy, sản xuất lúa hữu cơ có chi phí đầu tư là 1.434.000 đồng (tính cho 1 sào với diện tích 500m2), còn ruộng sản xuất truyền thống là 1.286.000 đồng. Chi phí tăng thêm này chủ yếu do mua thuốc thảo mộc cao hơn và số công nhiều hơn.
Tuy sản xuất lúa theo hướng hữu cơ có chi phí đầu tư cao hơn so với sản xuất truyền thống, nhưng giá bán lúa hữu cơ ra thị trường lại cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, cho nên sau khi trừ chi phí, sản xuất lúa hữu cơ vẫn thu được lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/ha, cao hơn sản xuất lúa truyền thống thông thường khoảng 4,4 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, ruộng lúa sản xuất hữu cơ được sử dụng các loại phân bón hữu cơ vi sinh, sử dụng các loại thuốc thảo mộc, sinh học nên độ mùn và thành phần hữu cơ trong đất tăng, giúp lúa có sức chống chịu, sức đề kháng cao hơn, từ đó hạn chế sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại.
Ngoài ra, sản xuất lúa hữu cơ giúp cây lúa phát triển cân đối, khỏe mạnh, hệ sinh thái đồng ruộng được cân bằng bền vững; bảo vệ được sức khỏe người sản xuất và môi trường sinh thái do không phải tiếp xúc với các chất độc hóa học, phân bón và thuốc BVTV hóa học.
Đây là sản phẩm sạch, không dư lượng thuốc BVTV, không dư lượng nitrat, không chất kích thích tăng trưởng nên chất lượng gạo thơm ngon theo hương vị tự nhiên, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người tiêu dùng và các loại giun đất, cua, ốc, cá, nhện cùng các loài lưỡng cư.
Lúa sản xuất hữu cơ đạt tiêu chuẩn 5 không: không thuốc diệt cỏ, không thuốc trừ sâu, không chất bảo quản, không phân bón hoá học, không chất kích thích tăng trưởng. |
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch UBND huyện Vũ Quang, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ vụ Xuân 2022 trên địa bàn huyện cho thấy có nhiều ưu điểm vượt trội, là xu hướng phát triển tất yếu của nền sản xuất nông nghiệp sạch.
Ông Sơn cũng kiến nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở KHCN, Sở NN&PTNT và Công ty Cổ phần tập đoàn Quế Lâm cho phép huyện tiếp tục nhân rộng mô hình trong vụ Hè Thu 2022, vụ Xuân 2023, tiến tới áp dụng phương thức sản xuất hữu cơ trên địa bàn toàn huyện.
Nghệ An: Công an, thanh niên đội nắng gặt lúa giúp nhiều hộ dân neo người, gia cảnh khó khăn
Thấu hiểu những khó khăn mà các gia đình đang gặp phải, đoàn viên thanh niên, Công an ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) đã xuống đồng, giúp người dân thu hoạch lúa đang thời kỳ chín rộ.
Trần Hoàn