Lợi nhuận bất hợp pháp từ buôn bán người mỗi năm lên đến 150 tỷ USD
Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu là đại biểu các cơ quan chức năng Việt Nam, một số địa phương trong cả nước và các tổ chức quốc tế. |
Nguồn lợi nhuận bất hợp pháp lên đến 150 tỷ USD/năm
Hội thảo do Đại sứ quán Anh và Dự án Hợp tác hành động chống lại nạn buôn bán người của Liên hợp quốc (UN-ACT) phối hợp tổ chức. Hơn 100 đại biểu dự hội nghị là đại biểu các cơ quan chức năng Việt Nam, một số địa phương trong cả nước và các tổ chức quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, ông Dave Pennant cho biết: “Cuộc chiến buôn bán người và nô lệ vẫn chưa kết thúc, nạn nô lệ chưa bị đẩy lùi về quá khứ, và ngay bây giờ vẫn còn những số phận đang phải sống trong tình trạng đáng sợ và bị đối xử vô nhân đạo ở các nước trên thế giới. Những kẻ buôn người và chủ nô đứng sau nạn nô lệ thời hiện đại đang bóc lột và lạm dụng những mảnh đời vô tội”.
Theo đó, nhiều hình thức nô lệ từ thời xa xưa vẫn còn tồn tại đến tận ngày nay và đang được ngầm sử dụng, che dấu khỏi sự nhận biết của cộng đồng và do đó gây khó khăn cho việc đấu tranh, triệt phá. Nô lệ thời hiện đại là một trong các loại tội phạm tồi tệ nhất xâm phạm quyền con người, gạt bỏ những quyền tự do chủ yếu, cơ bản nhất mà mỗi chúng ta đều có quyền được hưởng.
Nạn nhân có thể bị buôn bán để lấy nội tạng bán cho người mua, trẻ em bị bắt cóc khỏi gia đình, bị tước bỏ tuổi thơ, bị lạm dụng tình dục, phụ nữ bị ép buộc bán dâm, làm vợ cho những người không quen biết. Đây là vấn nạn toàn cầu không giới hạn địa lý, không chỉ xuyên biên giới mà còn cả trên mạng internet.
Mỗi năm, nạn buôn bán người mang đến nguồn lợi nhuận bất hợp pháp lên đến 150 tỷ USD, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 45 triệu người, trong đó, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em.
Do đó, vị đặc trách Việt Nam cho rằng cần sự tiếp cận cấp tiến cả trong nước và quốc tế, hướng tới mọi khía cạnh của loại hình buôn bán khủng khiếp này, đồng thời tống giam những kẻ chủ nô, tước bỏ lợi nhuận chúng kiếm được trên nỗi đau của đồng loại.
Việt Nam "phá" hàng nghìn vụ về buôn bán người
Thông tin từ Bộ Công an Việt Nam cho biết, từ năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng Việt Nam đã phá hơn 2.000 vụ án, 3.200 đối tượng lừa bán gần 4.000 nạn nhân, chủ yếu ra nước ngoài. Tập trung trên tuyến giới với Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Albania có nạn nhân mua bán người là trẻ em, bị lạm dụng, bóc lột tại Anh. Tính đến tháng 9/2016, Việt Nam có khoảng 368 người có nguy cơ là nạn nhân của buôn bán người. Việc mua bán người thông qua việc xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ.
Các hình thức lừa bán bao gồm thông qua xuất cảnh trái phép đi lao động thời vụ; mua bán phụ nữ để làm vợ hoặc hoạt động mại dâm; mua bán bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xuất cảnh hợp pháp sang các nước bằng con đường du lịch, thăm thân nhân sau đó bán qua nước thứ ba.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe và thảo luận nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến nạn buôn bán người, nô lệ thời hiện đại và cách phòng chống.
Theo ông Dave Pennant, cán bộ cao cấp đặc trách Việt Nam thuộc Bộ Nội vụ Vương quốc Anh, nước Anh đang ở tuyến đầu của cuộc chiến phòng, chống nạn buôn bán người và nô lệ thời hiện đại, với nỗ lực nhằm chấm dứt nạn nô lệ thời hiện đại và buôn bán người. Đại sứ quán Anh đã và đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam trong việc triệt phá tội phạm, truy tố những kẻ phạm tội, và hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng. Công tác hợp tác quốc tế trong việc đấu tranh với loại tội phạm toàn cầu này hết sức quan trọng và có vai trò thiết yếu trong việc cùng nhau tiếp tục đẩy mạnh hành động, chung tay truy bắt những kẻ đứng sau tội phạm, giúp nạn nhân có thể được tự do.
Đại biểu dự hội nghị đã thống nhất nhận định, thống nhất kế hoạch hành động trong thời gian tới, nhằm cùng chung tay xóa bỏ tận gốc mọi loại hình tội phạm buôn bán người và nô lệ thời hiện đại.