Loạt hành động hiếm hoi của Trung Quốc sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ
Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ khiến mối quan hệ với Mỹ càng thêm căng thẳng, Trung Quốc đã triển khai loạt động thái chưa từng có.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine khiến mối quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây càng gia tăng. Điều này khiến Bắc Kinh hướng tới hàn gắn quan hệ với các nước láng giềng.
Theo giới quan sát, trong hai tuần qua, Trung Quốc đã có hàng loạt hoạt động ngoại giao nhằm thể hiện tầm quan trọng của các nước láng giềng trong những mối quan hệ theo cấp bậc của chính quyền Bắc Kinh.
Chiến sự ở Ukraine khiến mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. (Ảnh: CNN) |
Sau loạt chuyến thăm tới Ấn Độ, Pakistan, Afghanistan và Nepal, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tiếp đón Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Lavrov kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Ông Vương còn chủ trì phiên họp với nội dung chính bàn về Afghanistan với sự tham gia của các Bộ trưởng Ngoại giao Nga, Iran, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Thậm chí, quyền Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ lâm thời Taliban Amir Khan Muttaki và đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề Afghanistan cũng đã có mặt trong cuộc họp diễn ra ở tỉnh An Huy vào ngày 30/3.
Trong một thông điệp nhằm thể hiện tham vọng của Trung Quốc ở Afghanistan sau khi Mỹ tiến hành rút toàn bộ quân về nước vào tháng 8/2021, Chủ tịch Trung Quốc đã gửi bức thư viết tay nhấn mạnh cam kết hỗ trợ của Bắc Kinh đối với Taliban và Afghanistan, đồng thời khẳng định “mấu chốt quan trọng là chuyển giao từ hỗn loạn sang trật tự”.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn hoan nghênh các Bộ trưởng ngoại giao Thái Lan, Philippines, Myanmar và Indonesia tham gia hội nghị trực tuyến của Liên minh châu Âu ở Brussels vào ngày 1/4.
Ông Tập còn thực hiện nhiều cuộc điện đàm với một số lãnh đạo khu vực châu Á và Nam Phi trong thời gian gần đây.
Thậm chí, trong một động thái hiếm hoi, ông Tập đã 2 lần liên lạc với Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol bao gồm cuộc trao đổi qua điện thoại ngay sau khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc. Dù trên thực tế, ông Yoon là người ủng hộ Mỹ và hứa sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Xoay trục ngoại giao
Các nhà phân tích nhận định dù Trung Quốc đã chuyển hướng xoay trục sang châu Á sau khi dịch Covid-19 bùng phát từ cách đây hơn 2 năm, nhưng những động thái gần đây của chính quyền Bắc Kinh có thể hiểu là phản ứng trước chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
“Trung Quốc luôn coi trọng tầm quan trọng và đầu tư mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ với các nước láng giềng trong những năm qua. Giờ đây khi Mỹ ngày càng chú trọng tới khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhất là về vấn đề địa chính trị và an ninh, Bắc Kinh càng đẩy mạnh những nỗ lực để chống đỡ và củng cố quan hệ với các láng giềng trong khu vực”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Li Mingjiang, Phó Giáo sư tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore.
Gần đây, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tới Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã nói rằng cuộc khủng hoảng ở Ukraine không làm sao nhãng việc thi hành chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.
“Theo quan điểm của Trung Quốc, sự hiện diện ngày càng lớn của Mỹ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và những thay đổi về viễn cảnh địa chính trị trong khu vực là đáng báo động”, ông Li nói.
“Khả năng tập hợp một mặt trận thống nhất của Mỹ với châu Âu và NATO đối với vấn đề Ukraine, cùng việc tăng cường sức mạnh liên minh trong khu vực như thành lập nhóm Bộ Tứ Kim Cương với các nước thành viên Nhật Bản, Australia và Ấn Độ, đang là thách thức hàng đầu với Trung Quốc”, ông Li nói thêm.
Cuộc điều tra được Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore tiến hành hồi đầu năm nay cho thấy, Washington đã giành được chỗ đứng trong quá trình cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Bắc Kinh ở Đông Nam Á trong năm 2021.
Ngoài ra, trong những tuần gần đây, Washington đang cố thuyết phục Nepal, vùng đệm truyền thống giữa Trung Quốc và Ấn Độ, bằng một dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Mỹ cũng gia tăng sức ép với Ấn Độ để thi hành các lệnh trừng phạt với Nga, quốc gia đang giữ vị thế là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho chính quyền New Delhi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã thực hiện chuyến thăm bất ngờ tới cả Ấn Độ và Nepal, dù hai quốc gia này vẫn đang xảy ra tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc.
“Vào thời điểm cuộc cạnh tranh đại cường ngày càng gia tăng mà gần đây bị thúc đẩy bởi cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Trung Quốc càng phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao giữa lúc Mỹ có những nỗ lực vận động các nước chống lại Nga”, ông Benoit Hardy-Chartrand, chuyên gia tại Đại học Temple ở Tokyo cho hay.
Cũng theo ông Hardy-Chartrand, tầm quan trọng của ngoại giao khu vực không phải là chuyện mới mẻ đối với với Bắc Kinh. Bởi Trung Quốc coi trọng sự ổn định gần các đường biên giới quốc gia và đẩy mạnh mở rộng tầm ảnh hưởng ngoại vi.
Ông Hardy-Chartrand nói thêm, ngoại vi của Trung Quốc hay nói cụ thể là khu vực Đông Nam Á lâu nay là trọng tâm trong “cuộc cạnh tranh đại cường” giữa Trung Quốc, Mỹ và thậm chí cả Nhật Bản.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (bên phải) gặp quyền Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ lâm thời Taliban Amir Khan Muttaki. (Ảnh: AP) |
Trung Quốc nắm cơ hội?
Dù chiến sự ở Ukraine bùng nổ, Washington vẫn tiếp tục tập trung vào cuộc đua tranh với Trung Quốc đồng thời cảnh báo Bắc Kinh sẽ đối mặt với “những hậu quả” nếu hỗ trợ Nga.
Song nhiều nhà phân tích cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine lại chính là cơ hội cho Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng.
“Sự tập trung của Mỹ cùng việc các nguồn lực được dùng cho chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bị chuyển sang đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trở thành cơ hội tốt cho Trung Quốc tăng cường mở rộng tầm ảnh hưởng”, ông Huang Jing, Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Thái Bình Dương thuộc Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho biết.
Ông Huang cho rằng Bắc Kinh có thể nhân cơ hội để tách Ấn Độ khỏi Bộ tứ Kim Cương do New Delhi vẫn từ chối sức ép lớn từ các nước phương Tây để từ bỏ mối quan hệ quốc phòng thân thiết với Nga.
Song theo bà Monika Chansoria, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Nhật Bản ở Tokyo, chuyến thăm của Bộ trưởng Vương Nghị tới Ấn Độ do phía Trung Quốc đề xướng là một nỗ lực thất bại. Nói cách khác, Bắc Kinh không thể mang lại tâm lý “mọi chuyện như bình thường” với Ấn Độ, sau vụ đụng độ đẫm máu ở thung lũng Galwan khiến 20 binh sĩ Ấn Độ tử vong cách đây 2 năm.
“Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là phần lớn các nước không muốn Trung Quốc trở thành bá chủ khu vực, mà muốn Mỹ mở rộng sự hiện diện trong khu vực”, ông Hardy-Chartrand kết luận.
Mỹ liên tục gây sức ép, Ấn Độ có chịu 'dứt tình' với Nga?
Mỹ không ngừng gây sức ép, nhưng Ấn Độ vẫn đang tiếp tục mua dầu mỏ với giá chiết khấu và vũ khí của Nga.
Minh Thu (lược dịch)