Loạt dự án bất động sản cam kết lợi nhuận ‘khủng’, gấp 2-5 lần lãi gửi ngân hàng
Trong khi lãi suất gửi tiền tại ngân hàng cao nhất chưa đến 6%/năm thì nhiều dự án bất động sản lại tung chính sách cam kết mức lợi nhuận ‘khủng’ lên đến 25%... Liệu đây có phải là ‘miếng bánh’ ngon cho nhà đầu tư?
Nhiều dự án bất động sản ‘tung’ cam kết lợi nhuận ‘khủng’, cao gấp vài lần lãi suất ngân hàng để thu hút khách đầu tư. |
Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2021, nhằm hút khách, kích cầu sau dịch, thị trường bất động sản đã xuất hiện các chương trình bán hàng với mức cam kết lợi nhuận “khủng” tại nhiều dự án.
Đơn cử như tại dự án Lagi New City ở Bình Thuận đang được môi giới bán hàng giới thiệu về chính sách chiết khấu, cam kết lợi nhuận 10 -14% để thu hút người mua các sản phẩm đất nền nhà phố, biệt thự, shophouse...
Theo đó, khách hàng chọn mua sản phẩm tại dự án sẽ nộp 50 triệu đồng, ký phiếu xác nhận; sau khi ký văn bản thỏa thuận sẽ thực hiện thanh toán theo phương thức ‘xé’ nhỏ hàng chục đợt, thời gian thanh toán kéo dài lên 30 tháng, mỗi đợt từ 5-25% giá trị.
Bên cạnh các quà tặng có giá trị như iPhone 12 Promax, xe máy, ô tô... chủ dự án này còn đưa chính sách cam kết lợi nhuận từ 10 – 14%/năm dành cho các khách hàng mua sản phẩm.
Cụ thể, chủ đầu tư cam kết lợi nhuận 10% nếu khách hàng hoàn tất 50% tổng giá trị sản phẩm trong năm đầu tiên; mức cam lết lợi nhuận 12% nếu khách hoàn tất đến 70% tổng giá trị sản phẩm và mức cam kết lợi nhuận cao nhất 14% với khách hoàn tất đến 95% giá trị sản phẩm trong năm đầu tiên. Song, ưu đãi này chỉ áp dụng cho 300 khách hàng đăng ký đầu tiên.
Chương trình "đầu tư ngay - sinh lời ngay" ở dự án PNR Estella (Đồng Nai) mới được tung ra thị trường. |
Tương tự, tại dự án PNR Estella đang triển khai tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cũng đang áp dụng chương trình “đầu tư ngay - sinh lời ngay” để thu hút khách mua sau dịch.
Theo đó, chủ đầu tư đưa ra con số lợi nhuận nhìn thấy ngay để khách dễ hình dung. Nếu khách hàng đầu tư 300 triệu đồng sau 6 tháng lợi nhuận thu về là 33 triệu đồng và sau 12 tháng lợi nhuận lên đến 75 triệu đồng.
Hay ở mức cao hơn, nếu nhà đầu tư bỏ vào số vốn ban đầu 2 tỷ đồng sau 6 tháng lợi nhuận mang về 220 triệu đồng và sau 12 tháng là 500 triệu đồng.
Với con số đưa ra này có thể thấy, mức lợi nhuận mà dự án này đưa ra dao động từ 11-25%, một mức lợi nhuận cao gấp 3-4 lần lãi suất gửi tiền ở ngân hàng hiện nay.
Hay trên thị trường hiện cũng xuất hiện các thông tin rao bán sản phẩm bất động sản tại dự án Flamingo crown Bay Hải Tiến ở Thanh Hóa có giá khá cao như shophouse có diện tích 91,4 - 114 m2, xây thô 4 tầng có giá từ 5,5 – 7,4 tỷ đồng; mini hotel diện tích 291 - 388m2 được rao bán với giá từ 20 - 30 tỷ đồng...
Để thu hút sự quan tâm của khách hàng, nhiều môi giới đã đưa bài toán kinh doanh dự kiến mini hotel Flamingo Hải Tiến với mức lợi nhuận hấp dẫn.
Môi giới 'quăng' bài toán kinh doanh dự kiến mini hotel Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa) với mức lợi nhuận gần 16%... |
Theo bài toán môi giới đưa ra, khi đầu tư mini hotel khoảng 30 tỷ đồng, diện tích 300m2, xây khách sạn 4 sao có chiều cao 8 tầng, 1 sky bar, 34 phòng khách sạn, nhà hàng... Nếu công suất phòng đạt 60% với giá thuê trung bình 700 ngàn đồng/đêm thì doanh thu từ khách sạn với 360 ngày trong năm sẽ đạt trên 5,1 tỷ đồng.
Cùng với đó, sẽ là nguồn thu từ kinh doanh cung cấp dịch vụ khách sạn với doanh thu dự kiến khoảng 2,9 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, tổng lợi nhuận dự kiến có thể thu về mỗi năm trên 4,7 tỷ đồng. Theo bài toán dự kiến này thì tỷ suất lợi nhuận trên số vốn đạt 15,8%.
Tuy nhiên, có thể thấy, đây chỉ là bài toán “đếm cua trong lỗ”, khi biển Hải Tiến là một vùng đất mới, không nhộn nhịp như ở Sầm Sơn; nếu như không có khách, hoặc lượng khách không như bài toán đặt ra thì không những không có lợi nhuận mà còn lỗ với những khoản chi phí vận hành, mà thực tế từ những đợt dịch vừa xảy ra đã thấy rất rõ.
Còn với những dự án cam kết lợi nhuận ‘khủng’, cao gấp vài lần lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện tại, ông Nguyễn Đức Toàn, một nhà đầu tư lâu năm đánh giá mục đích của việc cam kết lợi nhuận nhằm hút khách, giao dịch tốt hơn. Vì thế, cam kết lợi nhuận khi bán bất động sản là bình thường nhưng vấn đề nằm ở chỗ thực hiện thế nào, có thực hiện hay không, thực hiện đúng cam kết không... lại là vấn đề khác.
“Các dạng cam kết đa phần đều thuộc quan hệ dân sự, nếu khi xảy ra tranh chấp, bên cam kết không thực hiện được thì người mua cũng khó mà đòi lại tiền hoặc nếu khởi kiện ra tòa sẽ mất nhiều thời gian, công sức, nên nhiều nhà đầu tư thường chấp nhận thua thiệt, “chôn vốn” trong thời gian dài”, ông Toàn nói.
Trên thị trường, câu chuyện người mua bất động sản “sập bẫy” cam kết lợi nhuận đã từng xảy ra, điển hình như vụ vỡ cam kết lợi nhuận condotel ở dự án Cocobay Đà Nẵng.
Vì vậy, nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo đối với các cam kết lợi nhuận khi quyết định đầu tư sản phẩm, đặc biệt tính pháp lý của dự án để tránh rủi ro sau này.
Minh Thư
Số phận thăng trầm, nhiều ‘gai’ của dự án thung lũng hoa hồng tại Hà Nội
Chưa được chấp thuận mở rộng, chưa giải phóng xong mặt bằng, nợ đọng hàng chục tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất, cổ đông thoái vốn... khiến dự án thung lũng hoa hồng – Rose Valley ‘đắp chiếu’ cả chục năm chưa hẹn ngày hồi sinh.