Loại rau nhiều người săn lùng làm sinh tố giải nhiệt mùa hè 'đại kỵ' với ai?
Các nghiên cứu khuyên không nên sử dụng rau má lâu hơn 6 tuần, không nên sử dụng rau má cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú…
Mùa hè, thời tiết oi bức cũng là thời điểm nhiều chị em tìm mua rau má làm nước ép, say sinh tố nhằm giải khát, đẹp da như: sinh tố rau má, sinh tố đậu xanh cốt dừa rau má, nước ép dứa, rau má…
Tuy nhiên, liều lượng uống bao nhiêu, ai không nên dùng thức uống này thì không phải ai cũng biết.
Chia sẻ với phóng viên, TS. Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết rau má (Centella asiatica) là một loại rau ăn sống, vị thuốc tự nhiên phổ biến ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia châu Á khác.
Rau má được sử dụng trong y học cho hàng ngàn năm nay. Qua các thời đại, rau má đã nổi tiếng với tác dụng tăng tuổi thọ cho con người và được cho là “nguồn suối của tuổi trẻ”.
Những ai không nên sử dụng sinh tố rau má? |
“Có nhiều nghiên cứu về rau má trên thế giới đã ghi nhận: Rau má có thể hỗ trợ trí nhớ và nhận thức. Có tác dụng tốt trong điều trị giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch mạn tính, lưu thông tuần hoàn máu đến các chi.
Loại thảo dược này có thể làm giảm một số triệu chứng của bệnh xơ cứng bì, một bệnh trưng bởi đau khớp, xơ cứng da và mô liên kết.
Ngoài ra, chiết xuất từ rau má được dùng trong các chế phẩm thuốc bôi để giúp chữa lành các vết thương nhỏ, tổn thương da trong bệnh vẩy nến và để làm mờ các vết sẹo sau khi phẫu thuật”, TS. lương y Phùng Tuấn Giang thông tin.
Dẫn chứng thêm, TS. lương y Phùng Tuấn Giang còn cho biết, nhiều nghiên cứu khác nhau đã chứng minh rau má có tác dụng tốt trong việc giải quyết những vấn đề nhận thức trong học tập và trí nhớ, cũng như tác động chống oxy hóa.
Theo đó, một thử nghiệm của 80 đối tượng lớn tuổi khỏe mạnh sử dụng viên nang từ 250 - 750 mg chiết xuất Rau má trong hơn 3 tháng. Những người tham gia đã chứng minh cải thiện sức mạnh trí tuệ, sức mạnh của chân, và hài lòng liên quan đến hoạt động thể chất. Tuy nhiên, kết quả này chỉ xảy ra dùng liều khoảng 750 mg và biến mất sau khi đối tượng ngừng uống rau má.
Rau má còn dùng để bôi tại chỗ, loại thảo dược này có thể giúp làm lành vết thương bằng cách thúc đẩy sự hình thành collagen. Rau má cũng có tác dụng chống oxy hóa của và cải thiện tuần hoàn mạch máu.
Sở dĩ có điều này là bởi vì, chiết xuất rau má có chứa các hợp chất triterpenoid, dùng liên tục 60-120 mg chiết xuất này trong 3 tháng có thể giúp giảm các triệu chứng do suy tĩnh mạch. Cả viên nang chiết xuất tiêu chuẩn hóa từ rau má hay dạng kem bôi, cũng được sử dụng để điều trị cho những người bị giãn tĩnh mạch. Rau má cũng chứa tinh dầu, các flavonoid như quercetin và rutin… có tác dụng kháng sinh, chống viêm và chống oxy hóa.
Đối với y học cổ truyền, TS. lương y Phùng Tuấn Giang cho biết, rau má có vị đắng hơi ngọt (khổ vi cam), tính mát, có mùi thơm có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu tiêu viêm, sát trùng, chỉ huyết.
Một số bài thuốc hay từ rau má:
Chè giải nhiệt: Rau má, Vỏ đậu xanh, Bạch biển đậu, Mạch môn đông lượng bằng nhau. Sinh địa, Sa sâm, Trúc diệp , Cát căn lượng bằng nửa nhóm trên. Cam thảo, Bạch chỉ mỗi vị bằng ¼ lươngk Rau má. Hãm uống thay nước hàng ngày.
Chữa chàm, viêm da, vẩy nến do phong nhiệt: Rau má 16g, Chi tử, Huyền sâm, Thiên môn, Hắc đậu, Ngưu tất, Thạch cao mỗi vị 20g, Hoài sơn, Tang diệp mỗi vị 16g, Hoàng liên 8g, Thiền thoái 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Kết hợp với nước tắm Rau má, Khổ sâm, Hoàng đằng, Cỏ mực, Kinh giới mỗi ngày.
Chữa tiêu chảy cấp: Rau má sao vàng 10g, Bạch biển đậu 12g, Hoắc hương, Hương phụ chế, Xa tiền tử mỗi vị 8g, Sa nhân 4g, Sinh khương 2 g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
Chữa viêm bàng quang, sỏi thận, sỏi bàng quang: Rau má 12g, Bồ công anh 20g, Mã đề 16g, Thài lài tía, Chi tử, Râu ngô, Cam thảo dây, Mộc thông mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần. Hoặc uống 100ml nước ép Rau má ngày 1 lần.
Bài thuốc chống lão suy: Rau má 500g, Lá dâu non, Mật ong mỗi vị 250g, Vừng đen rang thơm, Ngưu tất, Ba kích mỗi vị 150g, Hà thủ ô 100g. Các vị thuốc tán mịn, mật hoàn làm thành 100 viên. Ngày dùng 2 lần mỗi lần 2 viên.
Đặc biệt đối với sinh tố rau má (thức uống được sử dụng nhiều trong mùa hè thời gian gần đây) có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, đem đến nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe.
Một số công thức sinh tố rau má thơm ngon, dễ làm:
Rau má tươi (50 – 80g) rửa sạch, giã hoặc xay nát. Cho thêm một ít nước sôi để nguội vào lọc bỏ bã. Có thể cho thêm vào một ít đường tùy khẩu vị.
Sinh tố rau má và nước dừa tươi: Rau má tươi (50 – 80g) rửa sạch, giã hoặc xay nát, cho thêm nước dừa tươi vào lọc bỏ bã.
Sinh tố rau má, đậu xanh: Đậu xanh (10g khô) ngâm nở, hấp chín, xay nhuyễn với một ít nước; sau đó cho rau má tươi (50 – 80g) xay cùng. Có thể cho thêm ít đường tùy khẩu vị.
Mặc dù rau má an toàn khi sử dụng với liều lượng khuyến cáo, tuy nhiên TS. lương y Phùng Tuấn Giang cũng nhấn mạnh có một số tác dụng phụ đã được báo cáo.
“Mặc dù không phổ biến nhưng các tác dụng phụ của rau má có thể là đau đầu, buồn nôn, buồn ngủ, chóng mặt và kích ứng da. Nếu chúng ta gặp phải những bất kỳ phản ứng phụ nào khác sau khi dùng rau má, thì nên ngừng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, hầu hết các nghiên cứu khuyên không nên sử dụng rau má lâu hơn 6 tuần và khuyên chúng ta nên nghỉ 2 tuần nếu sử dụng trong thời gian dài.
Hầu hết cũng khuyến cáo không nên sử dụng rau má cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú vì chưa có đầy đủ các nghiên cứu về rau má đối với thai nhi và trẻ sơ sinh.
Rau má với liều cao có thể hoạt động như một loại thuốc an thần, không nên sử dụng rau má kết hợp với các loại thuốc điều trị chứng lo âu hoặc rối loạn giấc ngủ”, TS. lương y Phùng Tuấn Giang thông tin.
N. Huyền