Lộ diện tập đoàn ‘khủng’ đấu mua CP Vinaconex với con trai cụ Trịnh Văn Bô
Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa thông qua danh sách các nhà đầu tư đủ năng lực tham gia đấu giá cổ phần Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
![]() |
Cụ thể, hai nhà đầu tư đủ điều kiện tham dự phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 22/11 tới là CTCP Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam, trụ sở tại Hà Nội, và Công ty TNHH BĐS Cường Vũ tại TP.HCM.
Trong đó, Tập đoàn Phát triển Nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam (TLVN) được thành lập năm 2010, đóng trụ sở tại 135 Trần Phú, Phường Văn Quán, Quận Hà Đông, Hà Nội. TLVN cuối năm 2015 điều chỉnh tăng vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng lên 380 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn nhất là doanh nhân Nguyễn Văn Đức (nắm 44%), 5 cổ đông sáng lập còn lại đã lần lượt thoái vốn.
LVN hiện có Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Trịnh Cần Chính. Doanh nhân sinh năm 1949 là con trai thứ 6 của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô - người từng hiến 5.000 lượng vàng cho Cách mạng năm 1945. Trước khi tham gia điều hành TLVN vào năm 2014, ông Trịnh Cần Chính có thời gian công tác tại Bộ Tư pháp, rồi Đại học Luật Hà Nội. Cái tên Trịnh Cần Chính được Bác Hồ đặt tên theo khẩu hiệu "cần, kiệm, liêm, chính" sau khi biết tin bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) vừa sinh con trai ngày 5/5/1949 tại Việt Bắc.
Về "profile" của TLVN, doanh nghiệp 8 năm tuổi cách đây chừng ba năm mua lại dự án Hesco Văn Quán (Quận Hà Đông) và dự án Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam (Quận Hoàng Mai) từ Megastar Land. Tổng vốn đầu tư của hai dự án này khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH BĐS Cường Vũ chỉ mới được thành lập ngày 7/11/2017, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản, với vốn điều lệ khá khiêm tốn, bằng đúng mức pháp định (20 tỷ đồng). So về tên tuổi và tiềm lực, Cường Vũ xem chừng kém xa doanh nghiệp do ông Trịnh Cần Chính làm TGĐ.
Lộ diện ứng viên
Lưu ý rằng, 21,28% vốn Vinaconex sẽ được đấu giá với hình thức trọn lô, với tổng giá trị khởi điểm hơn 2.000 tỷ đồng. Và rất có thể nhà đầu tư tham gia mua cổ phần VCG của Viettel cũng sẽ dành quan tâm lớn với lô 57,7% cổ phần VCG dự kiến được SCIC thoái cùng ngày (giá khởi điểm hơn 5.400 tỷ đồng). Tổng cộng 79% vốn Vinaconex sẽ được chào bán với giá hơn 7.400 tỷ đồng. "Room ngoại" của Vinaconex theo thông tin mới công bố, là 0%. Có nghĩa rằng Vinaconex giờ đây chỉ còn là "sân chơi" của các nhà đầu tư nội.
Bởi vậy, sẽ là hợp lý hơn nếu tư duy rằng, Cường Vũ là đại diện cho một nhà đầu tư có tên tuổi. Có nhiều mối liên quan giữa Cường Vũ với một tập đoàn lớn hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, hàng không, tài chính - ngân hàng.
Đơn cử, chủ sở hữu, đồng thời là Giám đốc Công ty Cường Vũ là ông Vũ Xuân Cường. Doanh nhân 48 tuổi còn đứng tên tại Công ty TNHH BĐS Cường Thanh và Công ty TNHH BĐS Lâm Vũ, ngoài ra còn liên quan đến nhiều doanh nghiệp khác, như Công ty TNHH BĐS Trang Lâm, Công ty TNHH BĐS Hoàng Lê. Một vài doanh nghiệp trong số đó đặt trụ sở tại Toà nhà Abacus, 58 Nguyễn Đình Chiều, Quận 1 - là đại bản doanh của tập đoàn vừa nêu ở TP.HCM.
Đáng chú ý hơn, Cường Vũ, Cường Thanh, Lâm Vũ, Trang Lâm hay Hoàng Lê đều được thành lập vào đầu tháng 11 năm ngoái, và đều là các đối tác tham gia cùng CTCP Địa ốc Phú Long tại dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Địa ốc Phú Long là pháp nhân cuối tháng 12/2017 đã mua lại 50% vốn trong dự án Bắc An Khánh từ POSCO E&C của Hàn Quốc, 50% vốn còn lại, hiện vẫn thuộc về Vinaconex.
Ngoài lĩnh vực xây lắp sở trường và một số dự án bất động sản quy mô vừa và nhỏ, thì Khu đô thị mới Bắc An Khánh với quy mô 264ha là tài sản rất đáng chú ý của Vinaconex. Tuy nhiên nguồn lực hạn chế khiến Vinaconex nhiều năm qua hoạt động không có nhiều khởi sắc, và "lún sâu" ở Bắc An Khánh.
Nguồn:nhadautu.vn