Liệt hai chân do ung thư phổi, bác sĩ lưu ý những dấu hiệu nhận biết sớm
Ung thư phổi đứng thứ hai trong các bệnh ung thư tại Việt Nam về số người mắc và tử vong. Năm 2020, Việt Nam có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và có hơn 23.000 trường hợp tử vong. Đa số các trường hợp khi được phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn. Đây thực sự là con số đáng báo động.
Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân N.T.M (nữ, 64 tuổi, Hoà Bình) mắc ung thư phổi giai đoạn muộn đã có di căn xương, não và có di chứng liệt không hoàn toàn 2 chi dưới.
ThS.BS. Lê Văn Long, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cho biết, khoảng 3 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện đau kèm tê bì vùng cột sống thắt lưng, đau âm ỉ, lan xuống mông, đùi sau 2 bên kèm mệt mỏi, ăn kém, gầy sút 3 kg/3 tháng.
Bệnh nhân không sốt, không đau đầu, không buồn nôn, không đau ngực, không khó thở. Các triệu chứng ngày một tăng dần. Cách nhập viện 1 tuần, bệnh nhân xuất hiện yếu dần 2 chi dưới, đi lại khó khăn kèm theo đi vệ sinh không tự chủ.
Bệnh nhân đi khám tại Khoa Thần Kinh - Bệnh viện Bạch Mai, được chụp cộng hưởng từ vùng cột sống thắt lưng phát hiện tổn thương đa ổ các thân đốt sống, cung sau các đốt sống và xẹp các thân đốt sóng T12, L1 nghĩ đến thứ phát. Bệnh nhân được hội chẩn chuyển Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu để chẩn đoán và điều trị.
Sau khi làm các xét nghiệm cần thiết bệnh nhân được chỉ định sinh thiết khối u phổi xuyên thành ngực. Kết quả quả mô bệnh học cho thấy bệnh nhân ung thư biểu mô loại không tế bào nhỏ thiên về biểu mô tuyến của phổi; Xét nghiệm đột biến gen EGFR: Phát hiện đột biến L858R trên exon 21…
Từ những kết quả trên, các bác sĩ kết luận bệnh nhân bị ung thư phổi trái di căn não, xương giai đoạn IV.
Bệnh nhân được chỉ định điều trị bằng thuốc điều trị đích Afatinib 40mg/ngày, uống hàng ngày, kết hợp điều trị triệu chứng: thuốc chống hủy xương, giảm đau, nâng cao thể trạng….
Đến tháng 2 năm 2022 (sau 8 tháng điều trị), bệnh nhân thỉnh thoảng xuất hiện ho húng hắng, không khó thở, không đau tức ngực, không đau đầu, không buồn nôn, đau và tê bì ít vùng cột sống thắt lưng, 2 mông và đùi sau, đi lại được, không tiêu chảy, không loét miệng, không nổi ban da.
PGS.TS. Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đánh giá đây là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn (di căn não, xương) có đột biến gen EGFR, đột biến L858R trên exon 21, T790M âm tính, đáp ứng tốt với điều trị.
Bệnh nhân sẽ được tiếp tục duy trì uống Afatinib 40 mg/ ngày, kết hợp thuốc chống hủy xương, nâng cao thể trạng… Hiện bệnh nhân đã được điều trị ổn định bằng phương pháp điều trị đích tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.
Theo BSNT. Đỗ Tất Cường - Khoa Xạ trị, BV Ung bướu Hà Nội, ung thư phổi hay ung thư phế quản là một khối u ác tính phát triển từ biểu mô phế quản, tiểu phế quản, phế nang hoặc từ các tuyến của phế nang.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguyên nhân gây nên căn bệnh này là do hút thuốc lá, ô nhiễm môi trường, nghề nghiệp liên quan đến phóng xạ hoặc amiăng, yếu tố di truyền.
Các dấu hiệu của ung thư phổi khá đa dạng, người bệnh cần lưu ý khi gặp các triệu chứng sau: ho, khó thở, đau ngực, khàn tiếng, đau vùng vai, cánh tay, ngón tay kèm tê bì dị cảm, xuất hiện hạch cổ và sụt cân nên đi khám để được phát hiện kịp thời.
"Đặc biệt, cần lưu ý tới những cơn ho. Ho là triệu chứng thường gặp. Khoảng 80% bệnh nhân ung thư phổi có biểu hiện ho, có thể là ho khan, ho có đờm, ho ra máu. Nhưng ho là một triệu chứng rất không đặc hiệu và ung thư không phải là nguyên nhân mà người bệnh nghĩ đến đầu tiên. Tuy nhiên, nếu bạn ho kéo dài, không rõ nguyên nhân và không đáp ứng với điều trị thì bạn nên đến chuyên khoa ung bướu để thăm khám", BSNT. Đỗ Tất Cường nhấn mạnh.
N. Huyền