Liên tục án mạng do bà mẹ trầm cảm sau sinh: Ác mộng làm sao để phòng tránh?
Ngày 5/2 tại TP.HCM và Hà Tĩnh liên tiếp ghi nhận các vụ việc thương tâm đều xuất phát từ nguyên nhân bà mẹ bị trầm cảm sau sinh.
Tại Hương Khê, Hà Tĩnh xảy ra vụ việc bé trai 2 tháng tuổi bị chém nhiều lần vào người khiến bé tử vong. Khi bố của bé phát hiện thì người mẹ không ở đó và được phát hiện ngoài bờ sông trong tình trạng hoảng loạn. Các cơ quan chức năng nghi ngờ do mẹ bé bị trầm cảm sau sinh dẫn tới vụ việc đau lòng trên.
Đến chiều ngày 5/2, tại TP.HCM cũng ghi nhận vụ việc tại phố Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, người mẹ đã tử vong trong tư thế treo cổ tại nhà trọ. Người dân tới ứng cứu thì phát hiện thêm một trẻ 7 tháng tuổi đã tử vong trong máy giặt.
Đến 6/2, Công an quận Bình Tân đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP.HCM điều tra nguyên nhân vụ việc.
Công an cho biết, qua lấy lời khai các nhân chứng, người mẹ từng có biểu hiện trầm cảm. Qua khám nghiệm hiện hiện trường, công an nhân định nguyên nhân vụ việc là do người mẹ nghi trầm cảm sát hại con rồi tự tử.
Ngày 25/1/2022 tại Vĩnh Phúc cũng có 1 trường hợp bà mẹ trẻ nhảy cầu tự tử do bị trầm cảm sau sinh. Bà mẹ trẻ tử vong để lại bé trai mới 4 tháng tuổi. Trước đó trên trang cá nhân của người mẹ này thường xuyên đăng các trạng thái buồn rầu, chán nản.
Liên quan tới vấn đề trầm cảm sau sinh, theo BSCK II Huỳnh Thanh Hiển – Bệnh viện Tâm thần TP.HCM, trầm cảm sau sinh là từ mà nhiều người nhắc tới trong vài năm gần đây. Trầm cảm sau sinh liên quan tới nhiều vụ việc đau lòng. BS Hiển cho biết tỷ lệ trầm cảm sau sinh chiếm từ 8 – 15% ở các bà mẹ sau sinh tuỳ vào từng quốc gia.
Ảnh minh hoạ. |
BS Hiền cho biết, các triệu chứng dấu hiệu trầm cảm thường xuất hiện từ lúc thai nghén tới khi con được 1 tuổi.
Nguyên nhân do thay đổi nội tiết tố, hooc môn của cơ thể phụ nữ cộng thêm với nhiều phụ nữ sau sinh bị mất ngủ do chăm con đêm hôm, có những bà mẹ còn gặp vấn đề về tức sữa, mất ngủ, các vấn đề liên quan đến quá trình nuôi con nhỏ dẫn tới việc dễ cáu gắt, tủi thân. Nếu gia đình không chia sẻ động viên, an ủi thì có thể dẫn tới mất ngủ, trầm cảm nặng hơn, khi đó bà mẹ sẽ phải sử dụng thuốc chống trầm cảm.
BS Hiển cho biết rất nhiều bà mẹ đến khám vì liên quan tới trầm cảm sau sinh. Bác sĩ sẽ đánh giác các mức độ, thang trầm cảm như thế nào để cho dùng thuốc. Đa số đều là thể nhẹ, ít người phải sử dụng thuốc.
Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh bao gồm: cảm xúc dễ thay đổi, dễ cáu gắt, nóng giận, thường xuyên mất ngủ, có người không ngủ được, luôn cảm thấy mệt và thiếu năng lượng. Nếu quá hai tuần mà không tự thay đổi lấy lại được thăng bằng thì chị em phụ nữ có thể tìm tới các bác sĩ chuyên khoa để được hỗ trợ.
Nếu các cảm xúc tiêu cực ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và kéo dài, người phụ nữ mất ngủ thường xuyên, nguy hiểm hơn là có ý định tự tử hoặc ôm con tự tử, người phụ nữ cần phải được đưa đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm thần và phải được tách khỏi con. Tốt nhất có thể để mẹ ruột, chị em ruột, bạn bè thân thiết với bà mẹ chăm sóc để họ lấy lại được tinh thần.
BS Hiển cho biết ở nhiều địa phương thường có văn hoá khi phụ nữ đẻ sẽ đưa về nhà cha mẹ ruột chăm sóc điều này cũng khiến tâm lý người mẹ sau sinh được tốt hơn.
Nếu trường hợp nào vợ chồng vẫn sống riêng hoặc sống chung với gia đình chồng người chồng cần lưu ý.
Vì gia đình người chồng và chồng không hiểu sẽ tạo áp lực cho người phụ nữ sau sinh, dễ dẫn đến trầm cảm. Cảm xúc của phụ nữ giai đoạn này rất nhạy cảm nên mọi người cần hết sức chú ý.
Để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh, BS Hiển cho biết chị em mang thai có thể tham gia các lớp học tiền thai sản để trang bị kiến thức, kỹ năng trong quá trình mang thai, nuôi con nhỏ. BS Hiển cho biết rất nhiều bệnh viện đã tổ chức các lớp học này cho thai phụ. Nếu cả vợ chồng cùng tham gia được là tốt nhất.
Khánh Chi