Liên minh Hợp tác xã quốc tế - Thái Bình Dương trao đổi kinh nghiệm bán lẻ
Từ ngày 8/10 đến 10/10, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình hội thảo bán lẻ của Liên minh hợp tác xã quốc tế - Thái Bình Dương (ICA-AP) năm 2018. Chương trình hội thảo này có sự tham dự của 50 đại biểu đến từ Myanmar, Philippines, Indonesia, Srilanka, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam.
Chủ đề của chương trình hội thảo là “Công tác quản lý trong hợp tác xã tiêu dùng”.
50 đại biểu của các nước tham dựhội thảo bán lẻ củaLiên minh hợp tác xã quốc tế - Thái Bình Dương (ICA-AP) năm 2018. |
Chương trình sẽ bao gồm các nội dung thảo luận chính như: Giới thiệu về hội thảo của Ủy ban tiêu dùng và chiến lược Liên minh hợp tác xã quốc tế - Thái Bình Dương; Giới thiệu về hoạt động bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh; Giới thiệu về sản phẩm của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh liên kết sản xuất với các doanh nghiệp trong nước; Giới thiệu về công tác quản trị chuỗi cung ứng của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, hội thảo còn tập trung thảo luận những điểm nổi bật liên quan đến hoạt động bán lẻ như hàng hóa, giá cả, thương hiệu, thương mại và quản trị chuỗi cung ứng, những đặc trưng của mô hình bán lẻ hiện đại vừa và nhỏ, cũng như những mô hình đặc trưng sẽ phù hợp cho từng quốc gia trong khu vực.
Ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu tại lễ khai mạc. |
Tại lễ khai mạc hội thảo bán lẻ của Liên minh hợp tác xã quốc tế - Thái Bình Dương, ông Trần Lâm Hồng, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chương trình là cơ hội để hợp tác xã quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về bán lẻ giữa các thành viên với mục tiêu hỗ trợ nhau để cùng nâng cao chất lượng công việc và hiệu quả hoạt động.
Theo Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, trong dịp này, đơn vị sẽ giới thiệu các mô hình bán lẻ quy mô nhỏ mà những nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt nam đang tập trung phát triển mạnh trong thời gian sắp tới.
Trong quá trình diễn ra chuỗi hoạt động hội thảo bán lẻ của Liên minh hợp tác xã quốc tế - Thái Bình Dương, đại biểu các nước đi tham quan trực tiếp các mô hình bán lẻ hiện đại đặc trưng của Việt Nam, đó là siêu thị và cửa hàng thực phẩm tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, đoàn còn tham quan hai mô hình liên doanh giữa Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh và NTUC Fair Price (Singapore). Đây là một siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại biểu các nước tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm. |
Hợp tác xã đầu tiên trên thế giới được hình thành tại Vương quốc Anh vào năm 1761, sau đó mô hình này phát triển ra ở hầu hết các nước trên thế giới, không phân biệt ở nước có nền kinh tế phát triển hay đang phát triển. Hợp tác xã có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Đây là tổ chức kinh tế mang tính xã hội cao, hoạt động như một doanh nghiệp dựa trên các giá trị và nguyên tắc tương trợ, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết, tạo nên sức mạnh trong việc giúp các hộ gia đình, cá thể, tiểu chủ hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn, tăng khả năng cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường.
Ở nhiều nước, hợp tác xã được coi là tổ chức mà thông qua đó Nhà nước có thể thực hiện được nhiều chương trình quan trọng như xoá đói giảm nghèo, ứng dụng công nghệ mới, công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn, khôi phục và phát huy ngành nghề truyền thống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia bảo đảm an ninh chính trị và xã hội...
Liên minh hợp tác xã quốc tế (ICA) là tổ chức cao nhất của phong trào hợp tác xã toàn thế giới. Từ năm 1946, ICA là đối tác của Liên hiệp quốc về các vấn đề kinh tế-xã hội thông qua Ủy ban kinh tế- xã hội (COPAC) của Liên hiệp quốc.
Trãi qua 170 năm hình thành và phát triển, hợp tác xã quốc tế có vai trò to lớn đối với phát triển kinh tế xã hội của nhiều nước, đóng vai trò giảm khoảng cách giàu nghèo, nâng cao đời sống cho người dân, nhất là các thành viên hợp tác xã. Trên thế giới hiện có khoảng 1,5 tỉ người là thành viên của các hợp tác xã. Với lực lượng đông đảo như vậy sẽ góp phần giúp các quốc gia và thế giới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.