Lão nông vùng cao biên giới - gương sáng làm giàu cho gia đình và xã hội
Sinh ra và lớn lên ở thôn Nàng Cảng, xã Si Ma Cai ( xã vùng cao biên giới của huyện Si Ma Cai, cách trung tâm tỉnh lỵ Lào Cai 95km về phía Đông, có đường biên giới giáp với huyện Mã Quan, Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), do hoàn cảnh gia đình nghèo khó nên ông Giàng Seo Sì chỉ học hết lớp xóa mù chữ. Cuộc sống quanh năm túng bấn khiến ông luôn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để thoát nghèo và có điều kiện nuôi con ăn học.
Đầu năm 2014, ông được nghe cán bộ xã, thôn tuyên truyền về 3 phong trào thi đua trong chương trình xây dựng nông thôn mới do tỉnh và huyện phát động, đó là: Vệ sinh môi trường, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. Với trăn trở không thể sống mãi trong cảnh nghèo khó, ông Giàng Seo Sì đã suy nghĩ mình phải làm việc gì đó để tham gia hưởng ứng phong trào…
Với kinh nghiệm tích lũy được sau nhiều lần tham quan các mô hình trồng cây dược liệu ở Sa Pa và cây tam thất ở Trung Quốc, qua nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng mảnh đất quê hương, ông đã bàn với vợ dồn toàn bộ nguồn vốn tích lũy của gia đình, cộng với vốn vay từ anh em, bạn bè khoảng gần 600 triệu đồng để thực hiện mô hình trồng hơn 9000m2 cây tam thất.
Ông Giàng Seo Sì chăm sóc vườn cây tam thất của gia đình. |
Hướng đi mới mẻ và có phần liều lĩnh này của ông đã được huyện Si Ma Cai đã cử cán bộ trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Được sự hỗ trợ của cán bộ trạm khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cách chăm sóc cây tam thất, ông Sì càng tự tin hơn với hướng đi mới của mình.
Biết cây tam thất thuộc nhóm cây thân thảo, ưa độ ẩm vừa phải và ánh sáng dịu nên ngay từ khi chuẩn bị đất trồng, ông Sì đã làm rất kỹ, đánh luống cao tránh ứ nước khi mưa, đồng thời làm giàn phủ kín bằng cành lá khô tạo bóng râm, vừa giữ độ ẩm cho đất, vừa tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào cây. Phân bón cũng được ủ kỹ, bón nắm trực tiếp vào gốc, vì nếu để phân rây ra lá thì ngay lập tức lá bạc héo, cây khô cằn. Do đó, sau mỗi lần bón phân, ông đều phải dùng máy quạt gió thổi nhẹ qua vườn để làm sạch mặt lá.
Theo lão nông này, chỉ tính riêng tiền giống cây, ông đã bỏ ra trên 500 triệu đồng, kiến thiết đất vườn hết 70 triệu đồng, ông đã thu được 70 - 80 kg hoa khô, tổng thu từ hoa và lá trong 2 năm 2014 - 2015 là 200 triệu đồng. Tháng 10/2015, ông thu được gần 2 tấn củ tươi, bán với giá 450.000đ/lạng, thu lợi gần 1 tỷ đồng.
Không chỉ dừng ở việc trồng cây tam thất, cho rằng muốn kinh tế gia đình phát triển nếu chỉ trồng cây dược liệu quý thôi không đủ mà phải gắn với chăn nuôi. Ông vẫn thường mua trâu về vỗ béo hoặc làm dịch vụ mua bán trâu, ngựa cho các hộ có nhu cầu mua hoặc bán. Từ dịch vụ này, hàng năm, gia đình cũng thu được từ 80 - 90 triệu đồng. Giờ đây, tổng thu nhập hàng năm của gia đình ông thu được từ 300 - 400 triệu đồng/năm, bình quân thu nhập đạt 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Lớn lên trong cảnh nghèo khó nên ông Giàng Seo Sì luôn cảm thông với các gia đình láng giềng chung cảnh cơ hàn. Khi gia đình có của ăn của để, ông đã cho 5 hộ vay không lãi từ 7 - 10 triệu đồng/hộ/năm để phát triển sản xuất; giúp 2 hộ được 2 con trâu, bò lấy sức cày kéo và giúp 5 - 7 hộ (giá trị từ 4 - 7 triệu đồng/năm) để mua giống ngô lúa, phân bón khi mùa vụ. Ngoài ra, ông tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới và chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Điều đáng nói là noi gương ông, nhiều gia đình đã đến học tập kinh nghiệm trồng cây tam thất để xóa đói giảm nghèo. Thấy vậy, ông Sì tận tình hướng dẫn mọi người cách trồng, cách chọn cây giống tốt nhất.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Si Ma Cai đã có thêm 4 mô hình trồng cây tam thất tại các xã: Mản Thẩn, Nàn Sán, Quan Thần Sán với tổng diện tích gần 7,5 ha, từng bước cụ thể hóa định hướng của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 là tiếp tục nhân rộng diện tích loại cây dược liệu quý này.
Với những thành công thu được từ mô hình phát triển kinh tế hộ, ông Giàng Seo Sì vinh dự được bầu chọn là đại biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX, tổ chức tại thủ đô Hà Nội đầu tháng 12/2015.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, tính đến cuối tháng 4/2015, người dân trên địa bàn đã đầu tư trồng được gần 7,5 ha cây tam thất. Cây tam thất được người dân tự đầu tư trồng ở các xã: Sán Chải 0,9 ha, Nàn Sán 2,3 ha, Mản Thẩn 4,2 ha.
Huyện Si Ma Cai (Lào Cai) dự kiến phát triển diện tích trồng tam thất lên 50 ha vào năm 2020. Nếu điều đó trở thành hiện thực, huyện đặc biệt khó khăn này sẽ là vựa tam thất lớn nhất nước. Một trong những người tiên phong đầu tiên trồng cây tam thất này là ông Giàng Seo Sì (Thôn Nàng Cảng, xã Si Ma Cai).