Lào Cai tổng kết 18 năm thi hành pháp luật ATVSLĐ
Quang cảnh hội nghị |
Lào Cai là một tỉnh miền núi, vùng cao biên giới, có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, với nhiều dự án sản xuất trọng điểm như: Dự án Tổ hợp đồng Sin Quyền, Dự án mở rộng khai thác - chế biến quặng Apatít, khai thác, chế biến quặng sắt Quý Sa, khai thác - chế biến vật liệu xây dựng,... Hiện toàn tỉnh có gần 1.600 doanh nghiệp sử dụng trên 42.000 lao động, trong đó có gần 5.000 lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhận thức rõ điều đó, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (BHLĐ, ATVSLĐ-PCCN) nhằm tạo dựng môi trường làm việc an toàn và hiệu quả cho người lao động.
Cụ thể, trong 18 năm qua UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; công tác tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn pháp luật về ATVSLĐ – PCCN đã được các cấp các ngành quan tâm, thời gian qua đã bồi dưỡng huấn luyện nghiệp vụ ATVSLĐ cho 15.810 lượt NSDLĐ, cán bộ quản lý, cán bộ làm công tác ATVSLĐ và NLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở và khu vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn; tổ chức khám, quản lý sức khoẻ định kỳ cho 115.501 lượt NLĐ làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; phát hiện và điều trị kịp thời cho người mắc bệnh nghề nghiệp (BNN); tổ chức đo kiểm tra môi trường lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm với tổng số 12.462 mẫu, trong đó có 1987 mẫu không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu là các yếu tố vi khí hậu, bụi và tiếng ồn, từ đó đã kịp thời đưa ra các giải pháp khắc phục góp phần cải thiện môi trường, điều kiện lao động; các ngành, địa phương đã chủ động và phối hợp tổ chức trên 200 cuộc thanh tra, kiểm tra về thực hiện pháp luật ATVSLĐ-PCCN tại hơn 3000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong đó tập trung chủ yếu ở các ngành nghề có nhiều yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, dễ gây cháy nổ. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm, ra 29 quyết định xử phạt hành chính những hành vi vi phạm nghiêm trọng, nộp Kho bạc nhà nước 160,1 triệu đồng.
Từ năm 1995 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 681 vụ TNLĐ làm 144 người chết, 397 người bị thương nặng. Tình hình TNLĐ có chiều hướng giảm rõ rệt, tần suất TNLĐ giai đoạn 2006 -2010 bình quân mỗi năm giảm 10%, tần suất TNLĐ chết người mỗi năm giảm 11,6%. Năm 2012 (tính đến thời điểm hiện tại) có 19 vụ TNLĐ xảy ra, làm 4 người chết (thấp nhất trong 18 năm qua). Toàn tỉnh hiện có 15 người bị mắc BNN, so với các tỉnh thành trong cả nước Lào Cai là tỉnh có tỷ lệ số người bị BNN rất thấp.
Để đạt được những kết quả trên là nhờ sự nỗ lực của các ngành, các cấp trong tỉnh, trong những năm qua toàn tỉnh đã có 152 tập thể, 179 cá nhân có thành tích xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen trong phong trào thi đua "Thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN".
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện pháp luật về ATVSLĐ - PCCN vẫn còn một số tồn tại như việc triển khai chỉ đạo thực hiện ở một số ngành, địa phương, doanh nghiệp còn chậm, hiệu quả mang lại chưa cao; Công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về BHLĐ, ATVSLĐ tuy đã được quan tâm hơn nhưng chưa thật sự có chiều sâu, phương thức và nội dung chưa thực sự phong phú; một số doanh nghiệp chưa nắm bắt hết được hệ thống pháp luật về lao động, ATVSLĐ; Công tác quản lý của một số ngành chức năng và địa phương chưa thật sâu sát; chức năng giám sát, kiểm tra của tổ chức công đoàn cơ sở về ATVSLĐ chưa được quan tâm đẩy mạnh; công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động trong lĩnh vực này; Việc chấp hành chế độ báo cáo định kỳ về công tác ATVSLĐ, TNLĐ ở một số doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân chưa bảo đảm theo quy định, nội dung báo cáo còn sơ sài, thiếu chính xác và tính hệ thống; việc bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ ở những doanh nghiệp này chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nên kinh nghiệm còn hạn chế. Tình hình tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng vẫn còn xảy ra ở các doanh nghiệp,...
Qua đó, Hội nghị đã đề ra 9 nhóm giải pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trong thời gian tới. Đồng thời, kiến nghị với Trung ương một số vấn đề về cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bùi Hồng Lĩnh nhấn mạnh: Bảo đảm ATVSLĐ, chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa TNLĐ, BNN, bảo vệ sức khoẻ người lao động, là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước ta, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những năm qua, các địa phương trong cả nước đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường ATVSLĐ, tuy nhiên tình hình TNLĐ và BNN vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, việc tổng kết lại 18 năm thực hiện pháp luật về ATVSLĐ ở các tỉnh, thành phố là rất cần thiết, vì những ý kiến đề xuất từ địa phương là cơ sở quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Luật ATVSLĐ. Thứ trưởng cũng đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lào Cai trong công tác ATVSLĐ, đồng thời đề nghị các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục triển khai nhiều biện pháp thiết thực hơn nữa để đảm bảo an toàn lao động, kiểm soát TNLĐ và BNN, góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị cũng được nghe đại biểu đến từ các doanh nghiệp, sở, ngành liên quan đã trình bày nhiều báo cáo, tham luận xoay quanh việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ – PCCN đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế và bàn giải pháp để cải thiện điều kiện lao động, hạn chế số vụ TNLĐ đang tiếc xảy ra…
Kết luận hội nghị, Bà Hà Thị Nga, Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Để pháp luật ATVSLĐ, PCCN ngày càng đi vào cuộc sống, các sở, ngành liên quan, các địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần phải có nhận thức đầy đủ, có hành động kịp thời và thường xuyên nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác ATVSLĐ. Thời gian tới, các đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, thực hiện tốt 9 nhóm giải pháp để công tác ATVSLĐ đạt kết quả tốt hơn.